Tình hình kinh tế - xã hội tháng 01 năm 2014

Thứ năm - 23/01/2014 01:43 2.103 0
Thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm chuẩn bị tốt nhất các điều kiện để nhân dân đón Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 13 tháng 12 năm 2013 về việc tăng cường các biện pháp nhằm bình ổn giá cả, thị trường, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trước và sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014.
Thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm chuẩn bị tốt nhất các điều kiện để nhân dân đón Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 13 tháng 12 năm 2013 về việc tăng cường các biện pháp nhằm bình ổn giá cả, thị trường, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trước và sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014. Theo đó, UBND tỉnh đã yêu cầu các ngành, các cấp, các thành phần kinh tê trên địa bàn thực hiện các biện pháp nhằm đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo cung cầu hàng hoá, duy trì chỉ số giá tiêu dùng với xu hướng ổn định; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và xử lý kịp thời các vụ buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng; đảm bảo điều kiện đi lại thuận tiện, an toàn cho nhân dân, giảm thiểu tai nạn giao thông; ngăn chặn việc sản xuất vận chuyển, buôn bán và đốt pháo nổ trái phép dưới mọi hình thức; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội;… Tình hình kinh tế - xã hội chủ yếu tháng 01/2014 của toàn tỉnh được phản ánh ở một số ngành, lĩnh vực như sau:
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
Trong tháng, hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn do thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài, lượng mưa ít gây hạn hán trên diện rộng đặc biệt là ở khu vực núi cao,… tuy nhiên, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tập trung chỉ đạo bà con nông dân tận dụng các ngày thời tiết thuận lợi để chủ động thu hoạch sản phẩm cây trồng vụ Đông và gieo trồng các loại cây hàng năm vụ chiêm Xuân 2014 theo khung lịch thời vụ đã quy định, tiếp tục ổn định sản xuất, chuẩn bị lương thực, thực phẩm để cung cấp cho thị trường và tự tiêu dùng trong dịp Tết nguyên đán.
Nhìn chung, tiến độ thu hoạch các loại cây trồng vụ Đông năm nay chậm hơn cùng vụ năm trước, nguyên nhân chủ yếu là do thời rét đậm, rét hại kéo dài nên khung lịch thời vụ gieo cấy vụ chiêm Xuân năm 2014 cũng được kéo dài thêm từ 3 đến 5 ngày. Riêng cây ngô đông diện tích thu hoạch ước đạt 7.911 ha, tăng 17,4% so với cùng vụ năm trước, theo báo cáo ước tính năng suất ngô đông giữ ổn định. Các loại cây trồng vụ đông khác diện tích thu hoạch đều thấp hơn so với cùng kỳ: Diện tích khoai lang thu hoạch ước đạt 1.321,6 ha, bằng 79,9% cùng vụ năm trước; diện tích rau xanh các loại thu hoạch ước đạt 2.281,6 ha, bằng 83,6% cùng vụ năm trước; diện tích đỗ tương thu hoạch ước đạt 135,5 ha; diện tích lạc thu hoạch ước tính đạt 42,1 ha,…
Diện tích ruộng đã cày toàn tỉnh ước đạt 27,8 ngàn ha tương đương cùng kỳ năm trước, diện tích ruộng đã bừa ước đạt 25,8 ngàn ha, nhanh hơn cùng kỳ năm trước 16,9% (+3.724 ha); thóc giống đã gieo ước đạt 1.078 tấn, bằng 95,2% (-54 tấn) cùng kỳ năm trước. Trong tháng 01/2014 thời tiết vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp (rét đậm, rét hại kéo dài), tuy nhiên nền nhiệt độ trung bình cao hơn cùng kỳ năm trước nên bà con nông dân vẫn tập trung gieo cấy lúa chiêm xuân đảm bảo lịch thời vụ, diện tích lúa đã cấy toàn tỉnh ước đạt 3,3 ngàn ha. Diện tích rau xanh vụ xuân 2014 ước đạt 1.259 ha, bằng 92,6% so với cùng kỳ năm trước (-100 ha).
Mặc dù thời tiết trong tháng diễn biến phức tạp nhưng do các địa phương đã có công tác chuẩn bị và phòng tránh tốt nên toàn tỉnh không có dịch bệnh xuất hiện trên đàn gia súc, gia cầm. Huyện Thanh Sơn đã triển khai tiêm phòng dịch bệnh cho 22,3 ngàn con gia súc và cho 71,8 ngàn con gia cầm các loại.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sản xuất vụ chiêm xuân 2014, các huyện, thành, thị đã tập trung, tăng cường các biện pháp chống hạn cho đồng ruộng, chủ động tích nước từ các đợt xả lũ của các hồ thuỷ điện, chủ động kiểm tra, tu sửa các cống tưới, hệ thống kênh mương và các công trình phụ trợ thuộc hồ đập, không để rò rỉ gây lãng phí nguồn nước; xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện nạo vét kênh dẫn, đồng thời kiểm tra bảo dưỡng, sửa chữa máy bơm nước; đẩy nhanh tiến độ thu hoạch cây trồng vụ đông; tăng cường khâu làm đất nhằm đảm bảo gieo cấy lúa chiêm xuân đúng khung lịch thời vụ và đạt kế hoạch;…
2. Sản xuất công nghiệp
Chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ tháng 01/2014 giảm 7,68% so với tháng trước nhưng tăng 0,77% so với tháng cùng kỳ. Nguyên nhân chính sản xuất công nghiệp giảm so với tháng trước là do một số ngành sản xuất sản phẩm mang tính thời vụ đã hết mùa[1], một số sản phẩm đã hết hợp đồng sản xuất trong năm, chưa ký được hợp đồng mới[2]. Sản xuất công nghiệp tháng 1 năm 2014 chỉ đạt mức tương đương so với tháng cùng kỳ, nguyên nhân do trong tháng có Tết Nguyên đán, thời gian sản xuất không đầy đủ; mặt khác do sức mua hạn chế hơn các năm trước nên một số ngành sản xuất sản phẩm phục vụ nhu cầu hàng tết cũng không tăng[3]. Tình hình cụ thể của các ngành như sau:
- Ngành công nghiệp khai khoáng: Chỉ số sản xuất giảm 13,65% so với tháng trước và giảm 8,25% so với tháng cùng kỳ. Nguyên nhân sản xuất giảm là do tháng 1 năm 2014 có thời gian nghỉ tết dài nên sản lượng khai thác đạt thấp, mặt khác một số doanh nghiệp khai thác quặng kim loại tạm ngừng sản xuất do không ký được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.
- Nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo: Chỉ số sản xuất giảm 7,84% so với tháng trước nhưng tăng 0,67% so với tháng cùng kỳ. Hầu hết các sản phẩm đều giảm so với tháng trước và giảm so với tháng cùng kỳ, gồm: Ngành công nghiệp chế biến thực phẩm giảm 22,95 % so với tháng trước và giảm 21,62 % so với tháng cùng kỳ, giảm sâu so với tháng trước cũng như tháng cùng kỳ là do sản phẩm chè chế biến đã hết vụ sản xuất, sản lượng giảm; các mặt hàng thực phẩm khác sức mua hạn chế do đó sản lượng sản xuất giảm do sản phẩm tồn kho nhiều. Ngành sản xuất bia và mạch nha giảm 18,3% so với tháng trước và giảm 15,5% so với tháng cùng kỳ, nguyên nhân chính làm cho sản xuất của nhóm ngành này giảm mạnh là do tháng trước là tháng chuẩn bị hàng cung cấp cho dịp tết nên sản xuất đạt cao, mặt khác do thời tiết khá lạnh nên nhu cầu của thị trường giảm. Ngành sản xuất sợi và dệt vải giảm 8,95 % so với  tháng trước và giảm 9,58% so với tháng cùng kỳ. Ngành sản xuất trang phục giảm 6,06 % so với tháng trước và giảm 7,23% so với tháng cùng kỳ. Ngành sản xuất phân bón và hợp chất Nitơ giảm 7,56% so với tháng trước và giảm 3,27% so với tháng cùng kỳ, nguyên nhân do sản phẩm phân bón hỗn hợp NPK có lượng tồn kho lớn nhưng chưa đến vụ sản xuất.
Tuy nhiên có một số sản phẩm sản xuất tăng so với cùng kỳ: Ngành sản xuất giấy và bìa giảm 10,15% so với tháng trước nhưng tăng 5,41% so với tháng cùng kỳ. Ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại: Chỉ số sản xuất giảm 7,11% so với tháng trước nhưng tăng 9,41% so với tháng cùng kỳ.
Trong tháng, ngành đóng góp cao cho mức tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp là ngành sản xuất các sản phẩm từ plastic, sản xuất tăng 11,21% so với tháng trước và tăng 18,08% so với tháng cùng kỳ.
Các nhóm ngành còn lại sản xuất giữ ở mức ổn định, nhóm ngành sản xuất và phân phối điện, nước đáp ứng cơ bản nhu cầu của người sử dụng và dần nâng lên về chất lượng.
3. Vốn đầu tư thực hiện
Bước vào tháng đầu năm 2014, khối lượng thực hiện vốn đầu tư chủ yếu tập trung thi công các công trình chuyển tiếp từ năm trước; mặt khác trong tháng các đơn vị thi công chủ động bố trí cho người lao động chuẩn bị nghỉ đón Tết Nguyên đán nên khối lượng đạt thấp so với tháng trước cũng như tháng cùng kỳ.
Tổng giá trị vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tháng 01/2014 ước thực hiện 132 tỷ đồng, giảm 31,86% so với tháng trước và giảm 25,48% so với tháng cùng kỳ. Trong đó: nguồn Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước đạt 104 tỷ đồng; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện ước đạt 17,8 tỷ đồng và vốn ngân sách nhà nước cấp xã ước đạt 10 tỷ đồng.
Trong tháng có một số công trình đã được khởi công và dự kiến khởi công như: Nâng cấp cải tạo đường giao thông xã Lang Sơn, đường vào khu du lịch Ao Châu huyện Hạ Hoà; Trường Mầm Non Vũ Yển, Trường Tiểu học Vân Lĩnh huyện Thanh Ba; cải tạo, nạo vét ngòi tiêu xã Bảo Thanh - Trị Quận, xây dựng cơ sở vật chất 6 trường chuẩn quốc gia huyện Phù Ninh; Trạm y tế xã Đồng Lương, nhà công vụ Trường THCS Ngô Xá, đường giao thông nông thôn các xã huyện Cẩm Khê; Nhà văn hoá khu, đường giao thông, nghĩa trang liệt sỹ các xã huyện Thanh Sơn;...
Một số công trình đã hoàn thành và dự kiến hoàn thành như: Trụ sở UBND xã Hà Lộc thị xã Phú Thọ; Trường Tiểu học Phương Lĩnh, Nhà lớp học Trường THCS Thanh Xá huyện Thanh Ba; Cải tạo nâng cấp đương giao thông nông thôn xã Liên Hoa, đường cầu Đắc xã Phú Nham huyện Phù Ninh; Hội trường UBND xã Yên Dưỡng, Văn Khúc huyện Cẩm Khê; Nhà lớp học 2 tầng Trường THCS Hưng Hoá, Nhà lớp học 2 tầng Trường Tiểu học Tứ Mỹ, Trường Tiểu học Xuân Quang, Trường Mầm Non xã Dị Nậu huyện Tam Nông;...
4. Thương mại, dịch vụ, giá cả
a) Bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Là tháng có Tết Nguyên đán, hoạt động của các cơ sở kinh doanh thương mại - dịch vụ, khách sạn - nhà hàng trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động, sức mua các mặt hàng thiết yếu tăng vào những ngày giáp Tết. Nhằm đảm bảo chất lượng, cung cầu và ổn định giá cả thị hàng hóa trong dịp Tết, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp nhằm bình ổn giá cả, thị trường, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trước và sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014; đồng thời các cấp, các ngành tăng cường kiểm tra, chống các hành vi buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm;…
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 1.643 tỷ đồng, tăng 3,2% so tháng trước. Trong đó: khu vực kinh tế nhà nước đạt 157,8 tỷ đồng, tăng 1,8%; kinh tế cá thể đạt 905,6 tỷ đồng, tăng 3,5%; kinh tế tư nhân đạt 551,2 tỷ đồng, tăng 3%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 28 tỷ đồng, tăng 4,5% so với tháng trước. Chia theo ngành kinh tế, thương mại ước đạt 1.345,4 tỷ đồng, chiếm 81,9% tổng mức, tăng 3,4%; hoạt động lưu trú - ăn uống ước đạt 188,8 tỷ đồng, chiếm 11,5% tổng mức, tăng 2,8%; hoạt động kinh doanh dịch vụ khác ước đạt 108,8 tỷ đồng, tăng 1,6% so tháng trước,…
b) Xuất, nhập khẩu hàng hoá
- Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tháng 01/2014 ước đạt 52,7 triệu USD, giảm 2,2% so với tháng trước nhưng tăng 8,5% so với tháng cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế tư nhân đạt 5,9 triệu USD, tăng 7,7% so tháng trước nhưng giảm 18,4% so tháng cùng kỳ; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 46,8 triệu USD, giảm 3,3% so với tháng trước nhưng tăng 13,2% so tháng cùng kỳ.
Thị trường xuất khẩu chủ yếu trong tháng gồm: Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong đó, thị trường Mỹ ước đạt 18,3 triệu USD chiếm 34,7% tổng kim ngạch, thị trường Hàn Quốc ước đạt 11 triệu USD chiếm 20,9% tổng kim ngạch và thị trường Nhật Bản ước đạt 3,7 triệu USD chiếm tỷ trọng 7,0% tổng kim ngạch xuất khẩu.   
Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu trong tháng gồm: hàng dệt may xuất khẩu ước đạt 29,7 triệu USD, chiếm tỷ trọng 56,41% trong tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu, tăng 0,86% so với tháng trước; sản phẩm bằng plastic trị giá ước 15,8 triệu USD, giảm 2,01% so với tháng trước; giày dép các loại trị giá ước đạt 1,8 triệu USD, giảm 5,88% so với tháng trước; sản phẩm chè  ước đạt 1.506,1 tấn, trị giá 2,5 triệu USD, giá trị giảm 20,61% so với tháng trước.
- Kim ngạch nhập khẩu hàng hoá tháng 01/2014 ước đạt 51,1 triệu USD, giảm 2,13% so với tháng trước nhưng tăng 7,45% so với tháng cùng kỳ. Trong đó: Kinh tế Nhà nước ước đạt 6,6 triệu USD, tăng 1,19% so với tháng trước và tăng 25,61% so với cùng kỳ; Kinh tế Tư nhân ước đạt 11,6 triệu USD, giảm 8,72% so với tháng trước nhưng tăng 0,33% so với cùng kỳ; Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 32,9 triệu USD, giảm 0,25% so với tháng trước nhưng tăng 7,01% so với cùng kỳ.
Thị trường nhập khẩu hàng hóa chủ yếu trong tháng gồm: Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản. Trong đó, thị trường Hàn Quốc ước đạt 21,3 triệu USD chiếm 41,78% tổng kim ngạch, thị trường Trung Quốc ước đạt 10 triệu USD chiếm 19,54% tổng kim ngạch, thị trường Nhật Bản ước đạt 1,7 triệu USD chiếm 3,3% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu trong tháng gồm: Hoá chất ước đạt 9,3 triệu USD, tăng 2,9% so với tháng trước; chất dẻo nguyên liệu ước đạt 8.873,7 tấn, trị giá 12 triệu USD, giá trị giảm 1,2% so với tháng trước; vải may mặc trị giá ước đạt 15 triệu USD, giảm 1,1% so với tháng trước; bông xơ ước đạt 3.758 tấn, trị giá 3,7 triệu USD, giá trị giảm 12,1% so với tháng trước; phụ liệu hàng may mặc trị giá ước đạt 2,6 triệu USD tăng 3,9% so với tháng trước và máy móc, thiết bị phụ tùng khác trị giá ước đạt 5,2 triệu USD, giảm 5,2% so với tháng trước.
c) Chỉ số giá tiêu dùng
Mặc dù là tháng có Tết Nguyên đán, nhưng do Nhà nước sớm có các biện pháp bình ổn giá của các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cộng với lượng hàng hóa dồi dào và sức mua trên thị trường tăng chậm, nên giá cả của các mặt hàng tiêu dùng trên địa bàn tỉnh chỉ tăng nhẹ, không có đột biến. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 01/2014 tăng 0,57% so tháng trước.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống là nhóm có tác động lớn đến đời sống người dân có chỉ số tăng 0,71%, trong đó: nhóm hàng lương thực tăng 1,55%[4]; Nhóm hàng thực phẩm tăng 0,51%[5].
Trong số 10 nhóm hàng còn lại, nhóm đồ uống và thuốc lá có chỉ số tăng cao nhất đạt 2,56%[6]. Các nhóm khác hoặc chỉ tăng nhẹ (nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,38%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,20%; nhóm giao thông tăng 0,5; nhóm văn hoá, giải trí và du lịch tăng 0,09%; nhóm hàng hoá và dịch vụ khác tăng 0,08%) hoặc không tăng (nhóm hiết bị và đồ dùng gia đình; nhóm bưu chính viễn thông; nhóm giáo dục); riêng nhóm nhà ở, điện, nuớc, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng nhẹ ở mức 0,81% (tập trung ở nhóm ga và chất đốt khác chỉ số tăng 2,53%).
Chỉ số giá vàng trong tháng giảm 2,52% so tháng trước và giảm 24,64% so với tháng cùng kỳ. Chỉ số giá đô la Mỹ giảm nhẹ 0,02% so tháng trước và tăng 1,76% so với tháng cùng kỳ năm trước.
d) Vận tải hàng hoá và hành khách
 Doanh thu vận tải, bốc xếp, dịch vụ vận tải tháng 01/2014 ước đạt 234,7 tỷ đồng, tăng 3,4% so với tháng trước. Trong đó, doanh thu vận tải đường bộ đạt 178,9 tỷ đồng, tăng 3,94%; doanh thu vận tải đường sông ước đạt 55,8 tỷ đồng, tăng 1,9%.
 Vận chuyển hàng hoá trong tháng ước đạt 2,9 triệu tấn, tăng 3%; luân chuyên hàng hoá ước đạt 148,2 triệu tấn km, tăng 2,1% so với tháng trước. Trong đó: vận tải đường bộ ước đạt 1,8 triệu tấn vận chuyển bằng 40,7 triệu tấn km luân chuyển, so với tháng trước tăng 3,3% về tấn vận chuyển và tăng 1,6% về tấn km luân chuyển; Vận tải đường sông ước đạt 1,1 triệu tấn, bằng 107,5 triệu tấn km luân chuyển, so với tháng trước tăng 2,5% về tấn vận chuyển và tăng 2,3% về tấn km luân chuyển.
Vận tải hành khách đường bộ trong tháng ước đạt 531,3 ngàn hành khách, bằng 59.136,3 ngàn hành khách km luân chuyển. So với tháng trước tăng 7,2% về số lượng hành khách vận chuyển và tăng 6,5% về số lượng hành khách km luân chuyển.
5. Một số vấn đề xã hội
- Công tác giáo dục: Trong tháng, ngành giáo dục và đào tạo đã tổ chức sơ kết học kỳ I và triển khai nhiệm vụ học kỳ II năm học 2013-2014. Qua đó, trong học kỳ I toàn tỉnh có 51 trường được công nhận Trường chuẩn Quốc gia; công tác quản lý giáo dục được chú trọng; giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS; tích cực triển khai phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi,…
- Công tác y tế: Ngành Y tế đang tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các cơ sở chế biến, vận chuyển và kinh doanh thực phẩm nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán; đồng thời phối hợp với các ngành chức năng chủ động kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh qua đó phát hiện và xử lý kịp thời ổ dịch nếu có, khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ nhân dân;...
- Các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao được tổ chức theo đúng kế hoạch, phù hợp với thuần phong, mỹ tục, phong tục, tập quán và có giá trị văn hoá truyền thống của vùng Đất tổ; các hoạt động thể thao quần chúng đáp ứng được nhu cầu vui chơi giải trí của các tầng lớp nhân dân, nhất là của thanh thiếu niên; chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức Lễ Hội Đền Hùng năm 2014 gắn với việc tuyên truyền về di sản “Hát Xoan Phú Thọ”, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại; chuẩn bị các chương trình, lễ hội dân gian nhân dịp đón xuân Giáp Ngọ;...
- Tình hình trật tự an toàn xã hội tiếp tục được duy trì; các lực lượng chức năng thường xuyên tăng cường, chủ động nắm tình hình, diễn biến tư tưởng trong quần chúng nhân dân, kịp thời xử lý những vấn đề nảy sinh ngay tại cơ sở; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
- Công tác an sinh xã hội được lãnh đạo Đảng và Nhà nước từ Trung ương đến địa phương quan tâm chu đáo, kịp thời; bước đầu hỗ trợ cho các hộ thiếu đói mỗi khẩu 15kg/tháng (bằng lương thực hoặc lương thực quy ra tiền trích từ ngân sách của huyện, xã và các nguồn vận động hỗ trợ khác) để đảm bảo cho người dân có đủ lương thực trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014. Ngoài ra, các tổ chức xã hội cũng đã trao tặng những suất quà Tết có ý nghĩa cho đồng bào nghèo tỉnh Phú Thọ như: Ngân hàng Bưu điện Liên Việt và Quỹ Tấm lòng Việt - Đài Truyền hình Việt Nam (trên 1.000 suất quà Tết với trị giá 500.000 đồng/suất và 200 chiếc tivi); Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (200 triệu đồng);...
- Tình hình môi trường: Theo thống kê của ngành chức năng, từ ngày 15/12/2013 đến ngày 15/1/2014, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ xảy ra 11 vụ cháy (thành phố Việt Trì: 1 vụ, huyện Hạ Hòa: 1 vụ, huyện Lâm Thao: 2 vụ, huyện Phù Ninh: 3 vụ, huyện Tân Sơn: 1 vụ, huyện Cẩm Khê: 3 vụ) và 1 vụ nổ (huyện Yên Lập), giá trị thiệt hại ước tính 1.325 triệu đồng.
Công tác kiểm tra, thanh tra vi phạm môi trường được ngành chức năng đẩy mạnh; tình hình chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực, từ ngày 15/12/2013 đến ngày 15/1/2014 trên địa bàn tỉnh không có vụ vi phạm môi trường bị phát hiện và xử lý.
Tóm lại: Tình hình kinh tế - xã hội tháng 01/2014 trên địa bàn tỉnh nhìn chung giữ được ổn định. Các cấp, các ngành đã tập trung chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị hàng hoá, dịch vụ và các điều kiện tốt nhất để phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán vui vẻ, tiết kiệm, lành mạnh và an toàn. Năm 2014 dự báo là năm kinh tế có những tín hiệu chuyển biến tích cực, chính trị xã hội ổn định; tuy nhiên vẫn còn gặp rất nhiều vấn đề hạn chế, yếu kém và thách thức đối với nền kinh tế. Do đó các cấp, các ngành, địa phương cần tập trung, nghiêm túc thực hiện đồng bộ và hiệu quả 9 nhóm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 theo tinh thần Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ[7] và sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh nhằm đạt và vượt các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2014./.
 

[1] Sản phẩm chè sản lượng chỉ bằng 40,38% tháng trước.
[2]Tập trung ở sản phẩm may mặc và giày dép xuất khẩu .
[3] Điển hình ngành chế biến thực phẩm và sản xuất đồ uống.
[4] Trong đó, nhóm gạo các loại tăng 1,93%; nhóm lương thực chế biến chỉ số tăng 0,12%.
[5] Giá nhóm thịt gia súc tươi sống tăng 1,05% (thịt lợn tăng 1,30%, thịt chế biến tăng 0,22%; nhóm trứng các loại tăng 1,72%); các loại rau xanh, rau dạng củ, quả giảm mạnh ở mức 2,41% so với tháng trước, một số mặt hàng giảm mạnh: bắp cải giảm 10,07%; su hào giảm 6,98%; cà chua giảm 8,46%; khoai tây giảm 3,24%;... 
[6] Mặt hàng rượu các loại chỉ số giá tăng 2,18%; nhóm thuốc hút chỉ số giá tăng 4,47%
[7] Thứ nhất là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Thứ hai là tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Thứ ba là đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh trang của nền kinh tế. Thứ tư là bảo đảm an sinh xã hội, và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Thứ năm là sử dụng hợp lý có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Thứ sáu đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và giải quyết khiếu nại tố cáo. Thứ bảy là bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Thứ tám là mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế. Thứ chín là tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội.

Nguồn tin: Cục Thống kê tỉnh Phú Thọ

Click để đánh giá bài viết Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây