Ngành Thống kê Phú Thọ 75 năm xây dựng và phát triển

Thứ sáu - 09/07/2021 23:11 444 0
Cách đây vừa tròn 75 năm, sau gần một năm giành được chính quyền, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đứng trước yêu cầu đòi hỏi cần phải có nguồn thông tin thống kê chính thống phục vụ Đảng, Nhà nước xây dựng các chính sách kháng chiến, kiến quốc; ngày 6/5/1646, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 61/SL thành lập Nha Thống kê nằm trong Bộ Quốc dân kinh tế, đánh dấu sự ra đời của Ngành Thống kê Việt Nam
Ngành Thống kê Phú Thọ 75 năm xây dựng và phát triển
     Cách đây vừa tròn 75 năm, sau gần một năm giành được chính quyền, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đứng trước yêu cầu đòi hỏi cần phải có nguồn thông tin thống kê chính thống phục vụ Đảng, Nhà nước xây dựng các chính sách kháng chiến, kiến quốc; ngày 6/5/1646, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 61/SL thành lập Nha Thống kê nằm trong Bộ Quốc dân kinh tế, đánh dấu sự ra đời của Ngành Thống kê Việt Nam.

     Theo đó, ở cấp tỉnh cơ quan Thống kê được thành lập nằm trong Ủy ban hành chính và Ủy ban hành chính kháng chiến tỉnh. Theo Điều lệ số 695/TTg ngày 20/02/1956 của Thủ tướng Chính phủ, Ngành Thống kê Phú Thọ được thành lập với tên gọi Ban Thống kê tỉnh Phú Thọ do do đồng chí Nguyễn Văn Chước làm Phó Trưởng ban phụ trách (ngành Thống kê tỉnh Phú Thọ lấy ngày 20/02/1956 là ngày thành lập Ngành) và được đổi tên năm 1957 thành Chi cục Thống kê tỉnh Phú Thọ theo Nghị định số 42/TTg của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời thành lập 12 Phòng Thống kê cấp huyện. Ở cấp xã, phụ trách Ban Thống kê có Trưởng ban chuyên trách, các cán bộ thống kê của Hợp tác xã nông nghiệp làm ủy viên; ở các xí nghiệp, nông trường quốc doanh cũng hình thành bộ phận thống kê nằm trong phòng kế hoạch hoặc phòng tài vụ của từng xí nghiệp, nông trường. Lúc mới thành lập, cán bộ làm công tác thống kê cơ bản chưa qua đào tạo chuyên ngành, nên công tác đào tạo cán bộ trở thành nhiệm vụ rất quan trọng và cấp bách. Bên cạnh khó khăn về nhân lực, điều kiện làm việc của Ngành Thống kê thời kỳ này cũng rất khó khăn, trụ sở làm việc của Chi cục Thống kê tỉnh và của các phòng Thống kê huyện đều nằm chung trong khuôn viên của Ủy ban hành chính cùng cấp; công cụ tính toán chỉ là những bàn tính gẩy, phương tiện đi lại chủ yếu bằng xe đạp của cá nhân,.. Hình thức thu thập thông tin thống kê chủ yếu trong giai đoạn này là áp dụng chế độ báo cáo định kỳ và điều tra thống kê, trong đó hình thức chế độ báo cáo định kỳ là chủ yếu. Trên cơ sở nguồn thông tin thu thập được, Chi cục Thống kê tỉnh đã tính được các chỉ tiêu thống kê tổng hợp chủ yếu phục vụ lãnh đạo các cấp, các ngành trong việc chỉ đạo, quản lý, xây dựng và xét duyệt, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch nhà nước hàng năm như: Lập bảng cân đối vật chất năm 1960, cân đối thu chi tiền tệ, thu nhập quốc dân của địa phương, hệ thống hóa mức độ hoàn thành kế hoạch nhà nước hàng năm và một số thời kỳ của toàn tỉnh, từng huyện, từng sở, ngành và các đơn vị cơ sở. Ngoài các kết quả nêu trên, trong giai đoạn này Chi cục Thống kê còn thực hiện thu thập, tổng hợp báo cáo nhanh phục vụ chỉ đạo tác nghiệp của các ngành, các cấp như: Báo cáo tiến độ sản xuất nông nghiệp, báo cáo tiến độ thu mua hàng hóa, nông sản,… Trong điều tra thống kê, Chi cục Thống kê đã thực hiện thành công một số cuộc điều tra có phạm vi rộng, nội dung phức tạp mà tiêu biểu là cuộc Tổng điều tra công nghiệp tư doanh năm 1957, cuộc Tổng điều tra dân số năm 1960; kiểm kê tồn kho vào 0 giờ ngày 01/7/1967 và đã góp phần giải quyết dứt điểm tình trạng tài sản nhà nước để bừa bãi và biến thành vô chủ. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng toàn ngành Thống kê Phú Thọ thời kỳ đó đã rất cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao.
     Đến đầu năm 1968, thực hiện Nghị quyết số 504/NQ-UBTVQH ngày 26/01/1968 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc hợp nhất hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú. Cũng như các ngành khác, thực hiện lãnh đạo, hướng dẫn của Trung ương và sự chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, chính quyền địa phương. Chi cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phú được thành lập trên cơ sở sáp nhập Chi cục Thống kê tỉnh Phú Thọ và Chi cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc; lúc này Chi cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phú có tổng số 143 cán bộ, công chức, trong đó cơ quan Chi cục gồm 6 phòng với 66 cán bộ, trường sơ cấp Thống kê gồm 3 cán bộ và 22 phòng Thống kê cấp huyện gồm 74 cán bộ. Đến năm 1984, Chi cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phú đổi tên thành Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phú, ở huyện có các phòng Thống kê huyện và ở cấp xã có các nhân viên Thống kê xã. Sau khi sáp nhập, trong hoàn cảnh cả nước có chiến tranh, sản xuất và chiến đấu đã trở thành nhiệm vụ chung cho tất cả các ngành, các cấp và các địa phương. Yêu cầu đối với ngành Thống kê tỉnh Vĩnh Phú là phải thu thập, xử lý thông tin kinh tế - xã hội trực tiếp phục vụ tốt hai nhiệm vụ chiến lược đó. Nhiệm vụ thường xuyên của ngành là phải đảm bảo thực hiện đầy đủ việc thu thập và tổng hợp thông tin thống kê về tình hình kinh tế - xã hội phục vụ cho Đảng và Nhà nước trong việc chỉ đạo và quản lý kinh tế - xã hội. Ngoài ra, do tình hình thời chiến ngành còn phải cung cấp những số liệu thống kê phản ánh tình hình phát triển kinh tế kết hợp chặt chẽ với tăng cường tiềm lực quốc phòng của Trung ương, cũng như của địa phương.
     Năm 1996, tỉnh Phú Thọ được tái lập trở lại trên cơ sở chia tách tỉnh Vĩnh Phú thành tỉnh Phú Thọ và tỉnh Vĩnh Phúc; theo đó, kể từ ngày 01/01/1997, Cục Thống kê tỉnh Phú Thọ thành lập theo Quyết định số 590/TCTK-TCCB ngày 09/12/1996 của Tổng cục Thống kê. Tại thời điểm tái lập, Cục Thống kê tỉnh Phú Thọ có 68 cán bộ công chức, trong đó: Cơ quan Cục có 27 cán bộ, công chức thuộc các phòng: Phòng Thống kê Tổng hợp, Phòng Thống kê Nông nghiệp, Phòng Thống kê Công nghiệp – Xây dựng, Phòng Thống kê Thương mại – Giá cả, Phòng Tổ chức – Hành chính; ở cấp huyện có 10 phòng Thống kê huyện, thành, thị với tổng số 41 cán bộ, công chức. Sau khi được tái lập, chức năng, nhiệm vụ của Cục Thống kê tỉnh Phú Thọ về cơ bản là giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động thống kê trên địa bàn tỉnh Phú Thọ; triển khai các hoạt động thống kê theo kế hoạch, chương trình của Tổng cục Thống kê giao; cung cấp thông tin thống kê đáp ứng nhu cầu của lãnh đạo các cấp ở địa phương. Trong giai đoạn này, Cục Thống kê tỉnh Phú Thọ đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong hoạt động thống kê. Tuy nhiên, trong điều kiện nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường nên gặp không ít khó khăn do có sự biến đổi và phát triển nhanh chóng của các cơ sở kinh tế, các hiện tượng kinh tế. Đến tháng 10/2010, Ngành Thống kê có sự thay đổi về mô hình tổ chức, Tổng cục Thống kê là cơ quan trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư; theo đó, ở cấp huyện thành lập Chi cục Thống kê huyện trên cơ sở các Phòng Thống kê huyện trước đây; Chi cục Thống kê cấp huyện là đơn vị trực thuộc Cục Thống kê tỉnh, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản, trụ sở riêng.
 


Đồng chí Vương Đình Huệ, UVBCT, Phó Thủ tướng Chính Phủ tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ cho Cục Thống kê tỉnh Phú Thọ có thành tích xuất sắc trong Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019
 

     Hiện nay, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Ngành Thống kê đã thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy; theo đó, Cục Thống kê tỉnh Phú Thọ ở cấp tỉnh có 5 phòng (Phòng Thống kê Tổng hợp, Phòng Thống kê Kinh tế, Phòng Thống kê Xã hội, Phòng Thu thập Thông tin Thống kê và Phòng Tổ chức - Hành chính); cấp huyện có 7 Chi cục Thống kê bao gồm: Chi cục Thống kê thành phố Việt Trì và 6 Chi cục Thống kê khu vực: Chi cục Thống kê khu vực Đoan Hùng – Hạ Hòa, Chi cục Thống kê khu vực Thanh Ba – Tx Phú Thọ, Chi cục Thống kê khu vực Cẩm Khê – Yên Lập, Chi cục Thống kê khu vực Lâm Thao – Phù Ninh, Chi cục Thống kê khu vực Tam Nông – Thanh Thủy và Chi cục Thống kê khu vực Thanh Sơn – Tân Sơn. Hiện nay, Cục Thống kê tỉnh Phú Thọ có 91 công chức, lao động, trong đó: Cơ quan Cục có 33 công chức, lao động; ở cấp huyện có 58 công chức, lao động; số công chức, lao động nữ chiếm 58,2%, có trình độ trên đại học chiếm 12,1%, có trình độ đại học chiếm 74,7%.
     Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển, dù ở các giai đoạn lịch sử, mô hình tổ chức khác nhau; tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành trực tiếp của Tổng cục Thống kê, sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự phối hợp, ủng hộ của các cấp, các ngành và nhân dân trên địa bàn tỉnh, Ngành Thống kê Phú Thọ đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò của mình, xứng đáng là cơ quan tham mưu đắc lực, tin cậy của Đảng, Nhà nước và có nhiều đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp phát triển Ngành Thống kê Việt Nam, sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà; luôn luôn giữ vững phong trào thi đua, lập nhiều thành tích. Với sự cố gắng nỗ lực đó, Ngành Thống kê Phú Thọ đã được Chủ tịch nước tặng Bằng khen, Lẵng hoa, Huân chương Lao động hạng Nhì; được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ luân lưu; Bằng khen của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê và Ủy ban nhân dân tỉnh... Nhiều tập thể, cá nhân các thế hệ cán bộ, công chức của ngành đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê và UBND tỉnh; hàng năm, Cục Thống kê kê tỉnh Phú Thọ luôn được Tổng cục Thống kê đánh giá, xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và UBND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao.
     Ngày nay, với nhiệm vụ trọng tâm là tổ chức thu thập thông tin và đảm bảo thông tin thống kê đáp ứng hệ thống thông tin thống kê của ngành dọc và phục vụ thông tin thống kê cho cấp ủy, chính quyền địa phương; thời gian qua, Ngành Thống kê Phú Thọ đã tổ chức tốt việc thu thập thông tin từ các từ các cuộc điều tra, chế độ báo cáo định kỳ và khai thác thông tin từ hồ sơ hành chính của các cơ quan, đơn vị thực hiện biên soạn các báo cáo ước tính, sơ bộ, chính thức của từng lĩnh vực và báo cáo tổng hợp tình hình kinh tế - xã hội hàng tháng, quí, 6 tháng và cả năm; bên cạnh đó, Cục Thống kê đã tổ chức biên soạn Niên giám thống kê hàng năm và ấn phẩm thống kê của một số ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh của toàn tỉnh kịp thời báo cáo Tổng cục Thống kê, đáp ứng yêu cầu sử dụng thông tin thống kê của cấp ủy, chính quyền địa phương và phổ biến các đối tượng dùng tin trong xã hội. Bên cạnh việc thu thập và đảm bảo thông tin thống kê, Ngành Thống kê Phú Thọ đã và đang tổ chức thực hiện tốt các chương trình, đề án lớn của Ngành như: Triển khai thực hiện Luật Thống kê, Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, Đề án Đổi mới quy trình và biên soạn số liệu GRDP trên địa bàn tỉnh; Chiến lược phát triển thống kê giai đoạn 2021-2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Đề án thống kê ASEAN là đến năm 2020, Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát, ...
     Kế thừa và phát huy bề dày truyền thống lịch sử vẻ vang truyền thống 75 năm Ngành Thống kê Việt Nam; thế hệ cán bộ, công chức Ngành Thống kê Phú Thọ ngày hôm nay quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, ra sức rèn luyện bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, sự sáng tạo, sức mạnh đoàn kết để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ của Tổng cục Thống kê giao, góp phần cùng với Đảng, chính quyền và nhân dân trên địa bàn tỉnh thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Click để đánh giá bài viết Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây