Một số điểm mới cơ bản trong Hiến pháp năm 2013

Thứ hai - 10/03/2014 04:48 25.647 0
Ngày 28-11-2013, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thay thế cho Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) với tuyệt đại đa số đại biểu Quốc Hội biểu quyết tán thành (486/488 – chiếm 97,59%). Hiến pháp có hiệu lực từ ngày 1-1-2014.
Ngày 28-11-2013, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thay thế cho Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) với tuyệt đại đa số đại biểu Quốc Hội biểu quyết tán thành (486/488 – chiếm 97,59%). Hiến pháp có hiệu lực từ ngày 1-1-2014. 
So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 giữ nguyên 7 điều, bổ sung 12 điều mới và sửa đổi 101 điều. Hiến pháp 2013 được đánh giá là bản Hiến pháp của thời kỳ hội nhập, thời kỳ đổi mới, đánh dấu một bước tiến mới trong lịch sử lập hiến của nước ta; Thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ ta trong thời kỳ quá độ lên CNXH; Với bố cục 11 chương, 120 điều (giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992) Hiến pháp có bố cục gọn và kỹ thuật lập hiến chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu là đạo luật cơ bản, có tính ổn định lâu dài.
Ngay phần lời nói đầu của Hiến pháp đã được hoàn thiện, ngắn gọn hơn (gồm 3 khổ với 288 từ) nhưng vẫn phản ánh được lịch sử hào hùng của dân tộc và những mốc lịch sử quan trọng, những thành quả cách mạng to lớn mà Nhân dân ta đã đạt được. Lời nói đầu của Hiến pháp đã thể hiện ý chí, quyết tâm của nhân dân ta, thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng, kế thừa các bản Hiến pháp năm 1946 - 1959 - 1980 - 1992, xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Chương I quy định về chế độ chính trị: Hiến pháp khẳng định Nhà nước CHXHCN Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân (khác với trước, chữ Nhân dân được viết hoa). Đồng thời, Hiến pháp tuy vẫn khẳng định quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, nhưng lần đầu tiên có quy định thêm việc kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp (khoản 3 Điều 2). Đây được xem là một điểm mới cực kỳ quan trọng trong việc tổ chức quyền lực Nhà nước, tránh những nhánh quyền lực vượt quá quyền hạn, không thể kiểm soát. Hiến pháp vẫn khẳng định vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam nhưng bổ sung một quy định rất quan trọng đó là “Đảng gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”. Khác với Hiến pháp trước, từ nay Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước không chỉ bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND mà còn thông qua các cơ quan khác của Nhà nước.
 Quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định ngay sau chương chế độ chính trị. Điều này thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước đề cao con người trong xã hội (trong Hiến pháp 1992, vấn đề này được quy định tại chương 5); Với việc ghi nhận trong Hiến pháp 2013 về quyền con người đã đảm bảo phù hợp với các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước ta tham gia ký kết. Hiến pháp đã làm rõ hơn các quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân và trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân; thể hiện rõ bản chất dân chủ của Nhà nước ta. Hai điểm mới ở chương này, đó là ghi nhận về “quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” (khoản 2 Điều 14) và “mọi người có quyền sống” (Điều 19).
 Chương III quy định về chế độ kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, môi trường (Hiến pháp 1992 quy định ở nhiều chương khác nhau). Việc sắp xếp này thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước: phát triển kinh tế phải kết hợp chặt chẽ, hài hòa với phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường. Đồng thời, Hiến pháp tiếp tục khẳng định: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo”. Bên cạnh đó, Hiến pháp đã sửa đổi và bổ sung các chế định về hình thức sở hữu tư liệu sản xuất, các loại hình kinh tế, tôn trọng đa dạng hình thức sở hữu, bảo hộ sở hữu tư nhân, các quyền tài sản và sở hữu trí tuệ; quyền kinh tế được xác lập và thực hiện cùng với quyền của mọi công dân (quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tư nhân...).
 Về tổ chức bộ máy Nhà nước, tại chương V: Hiến pháp tiếp tục khẳng định Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam nhưng không xác định Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp. Đồng thời, trong việc quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và chính sách quốc gia, Quốc hội chỉ quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội; quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ.
 Đối với thiết chế Chủ tịch nước, Hiến pháp mới có nhiều bổ sung quan trọng về thẩm quyền của Chủ tịch nước, tương xứng với vị trí là nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu Nhà nước, thay mặt Nhà nước về đối nội, đối ngoại, thống lĩnh các lực lượng vũ trang, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh.
 Chính phủ được quy định tại chương VII. Hiến pháp chỉ rõ Chính phủ không chỉ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, cơ quan chấp hành của Quốc hội mà còn là cơ quan thực hiện quyền hành pháp. Hiến pháp mới quy định Chính phủ có thẩm quyền trình Quốc hội quyết định về tổ chức các bộ, cơ quan ngang bộ (trước đây là thuộc Thủ tướng Chính phủ)...
 Đối với Tòa án nhân dân (tại chương VIII): Tòa án nhân dân gồm TAND tối cao và các Tòa án khác do luật định (Hiến pháp 1992, ngoài TAND tối cao còn quy định có các TAND địa phương, các Tòa án quân sự… ). Hiến pháp khẳng định rõ: “Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp” và quy định một số nguyên tắc mới trong tổ chức và hoạt động thực hiện quyền tư pháp của Tòa án như nguyên tắc đảm bảo tranh tụng trong xét xử; chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm...
 Đối với Viện Kiểm sát nhân dân, Hiến pháp mới đã đặt vai trò, nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân lên trước rồi mới đến bảo vệ chế độ XHCN, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, coi con người là chủ thể quan trọng, nguồn lực chủ yếu trong xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Một điểm mới hết sức quan trọng là Hiến pháp đã quy định về mô hình tổ chức chính quyền địa phương đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Đây là điểm mà dư luận đặc biệt quan tâm trong quá trình sửa đổi. Việc tổ chức chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân hiện nay đều giống nhau ở các loại đơn vị hành chính đã tạo ra sự rập khuôn, cứng nhắc, ít phân biệt được sự khác nhau trong quản lý hành chính Nhà nước ở đô thị, nông thôn, miền núi, hải đảo và cũng không bảo đảm được tính tập trung cao từ trung ương xuống địa phương. Theo đó, Hiến pháp chỉ quy định một cách khái quát và nguyên tắc về mô hình chính quyền địa phương, tạo cơ sở cho việc quy định mở về chính quyền địa phương, cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định. Điều này tạo ra hướng mở trong việc tổ chức quyền lực ở địa phương trên nguyên tắc đảm bảo phân công, phân cấp giữa Trung ương và địa phương nhưng tạo điều kiện để phát huy tính năng động, sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Ngoài ra, Hiến pháp lần đầu tiên quy định 2 thiết chế mới là Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước. Hội đồng bầu cử quốc gia là cơ quan do Quốc hội thành lập, có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu HĐND các cấp (Điều 117). Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của đất nước. Các thiết chế này sẽ khắc phục những hạn chế trong công tác bầu cử thời gian qua; kiểm tra, kiểm kê, kiểm soát việc quản lý và sử dụng ngân sách Nhà nước, tài sản quốc gia. Đây được xem là công cụ quan trọng để góp phần phát huy dân chủ, thực hiện nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. 
Có thể nói, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013 đã thể hiện được ý Đảng, lòng dân, tinh thần dân chủ, đổi mới, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Tác giả bài viết: (Minh Lê sưu tầm)

Click để đánh giá bài viết Tổng số điểm của bài viết là: 49 trong 15 đánh giá
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây