Tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 năm 2014

Thứ ba - 22/04/2014 04:05 2.874 0
Trong tháng, toàn tỉnh tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014
Trong tháng, toàn tỉnh tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014. UBND tỉnh đã chủ trì cùng các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh tổ chức thành công Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ Hội Đền Hùng năm 2014 đảm bảo trang nghiêm, thành kính và an toàn. Bên cạnh đó, các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tiếp tục giữ được ổn định và đạt được nhiều kết quả tích cực, tình hình cụ thể ở một số ngành, lĩnh vực như sau:
I. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Trong tháng, thời tiết có mưa trên diện rộng, nắng ấm đã tạo điều kiện thuận lợi cho cây lúa và các loại cây trồng vụ xuân sinh trưởng và phát triển tốt. Các địa phương đã và đang tập trung chỉ đạo, hướng dẫn bà con nông dân hoàn thành gieo trồng các loại cây hàng năm vụ xuân còn trong khung lịch thời vụ, tích cực chăm sóc, làm cỏ, sục bùn, bơm tưới nước cho đồng ruộng, bón phân đón đòng cho lúa chiêm xuân và các cây rau màu khác; đồng thời tăng cường thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại lúa và rau màu, phòng trừ dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.
Đến nay, toàn tỉnh cơ bản hoàn thành gieo trồng các loại cây hàng năm vụ xuân. Tổng diện tích lúa đã cấy ước đạt 36.840 ha, so với cùng kỳ năm trước tăng 0,81%. Ngô gieo trồng ước đạt 5.270 ha, giảm 5,1%; Rau xanh các loại gieo trồng ước đạt 4.158 ha, tăng 17,9%; Đậu tương gieo trồng ước đạt 88 ha, giảm 51,7%; Lạc gieo trồng ước đạt 3.525 ha, giảm 3,4%;… Nhìn chung, tiến độ gieo trồng các loại cây rau màu vụ xuân năm nay chậm hơn cùng kỳ năm trước, nguyên nhân chủ yếu là do các cây trồng vụ đông 2013-2014 cho thu hoạch muộn nên bà con nông dân phải chuẩn bị mặt bằng gieo trồng vụ xuân muộn hơn; mặt khác thời tiết đầu vụ xuân năm nay ít mưa, khô hạn, rét đậm, rét hại kéo dài trên diện rộng nên cũng gây ra nhiều khó khăn cho sản xuất gieo trồng.
Hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đã đi vào ổn định, các ổ dịch đã được khống chế[1], không xuất hiện thêm ổ dịch bệnh ở đàn gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, đợt dịch vừa qua đã làm cho số lượng tổng đàn gia súc, gia cầm có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm trước, tổng đàn trâu hiện có ước đạt 71,5 ngàn con, giảm 0,26%; tổng đàn bò ước đạt 89,8 ngàn con, tăng 1,0%; tổng đàn lợn ước đạt 745,8 ngàn con, giảm 0,22%; tổng đàn gia cầm ước đạt 11 triệu con, trong đó tổng đàn gà 9,4 triệu con, giảm 2,7%.
Sản xuất lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn, các địa phương đang tích cực chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở tiếp tục khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2014 (đến nay, tiến độ trồng mới rừng tập trung ước đạt 2.691 ha, chỉ bằng 41,9% kế hoạch). Sản lượng gỗ khai thác cộng dồn từ đầu kỳ ước đạt 79,7 ngàn m3, riêng sản lượng gỗ khai thác trong tháng ước đạt 16,7 ngàn m3; sản lượng củi khai thác ước đạt 259,8 ngàn ste, trong đó tháng 4/2014 ước đạt 57,5 ngàn ste.
Sản xuất nuôi trồng thủy sản tiếp tục được duy trì ổn định, tập trung đi sâu vào thâm canh, gối vụ nhằm tăng năng suất, sản lượng. Tổng diện tích mặt nước thực tế nuôi trồng thủy sản ước đạt 8,1 ngàn ha, sản lượng tháng 4/2014 ước đạt 1,8 ngàn tấn.
II. Sản xuất công nghiệp
Tháng 4/2014, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục có dấu hiệu phục hồi nhưng chậm do còn tồn tại nhiều khó khăn cơ bản như: sản phẩm sản xuất tiêu thụ chậm, giá cả vật tư đầu vào biến động tăng, lượng tồn kho một số sản phẩm ở mức cao nên phải sản xuất cầm chừng.
 Chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tháng 4/2014 tăng 4,9% so với tháng trước nhưng chỉ tăng nhẹ so với tháng cùng kỳ.
Nhóm ngành công nghiệp khai khoáng, chỉ số giảm 11,2 % so với tháng trước và giảm 28,7% so với tháng cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu là do một số doanh nghiệp ngành khai thác quặng kim loại không ký được hợp đồng tiêu thụ phải tạm ngừng sản xuất, mặt khác do tác động một phần của việc Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành lập các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động trên một số tuyến quốc lộ đã hạn chế các xe vận chuyển hàng hóa ngành khai khoáng vốn thường chuyên chở quá trọng tải[2].
Nhóm ngành công nghiệp chế biến, chỉ số tăng 5,3% so với tháng trước và tăng 2,3% so với tháng cùng kỳ. Trong nhóm này, một số ngành chỉ số sản xuất tăng so với tháng trước cũng như tháng cùng kỳ như: Ngành sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy chỉ số tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 8,1% so với tháng cùng kỳ; Ngành sản xuất các sản phẩm từ plastic chỉ số tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 17,1% so với tháng cùng kỳ; Ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại chỉ số tăng 33,6% so với tháng trước và tăng 11,1% so với tháng cùng kỳ;.... Một số ngành chỉ số sản xuất tăng so với tháng trước nhưng giảm so với cùng kỳ: Ngành công nghiệp chế biến thực phẩm chỉ số tăng 9,3% so với tháng trước và giảm 2,3% so với tháng cùng kỳ; Ngành sản xuất bia và mạch nha chỉ số tăng 53,9% so với tháng trước và giảm 29,1% so với tháng cùng kỳ; Ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn chỉ số tăng 3% so với tháng trước và giảm 36,1% so với tháng cùng kỳ. Phần đa các ngành còn lại sản xuất đều giảm so với tháng trước và tháng cùng kỳ.
Nhóm ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt,... có chỉ số tăng 19,1% so với tháng trước và tăng 10,3% so với cùng kỳ.
Nhóm ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải chỉ số tăng 21,7% so với tháng trước và tăng 6,7% so với cùng kỳ.
Tính chung 4 tháng, chỉ số sản xuất công nhiệp toàn tỉnh tăng ở mức thấp 1,1% so với cùng kỳ năm 2013, sản xuất tăng trưởng chậm chủ yếu là do nhóm ngành công nghiệp khai khoáng giảm 5,4%.
III. Vốn đầu tư
Trong tháng, cùng với cả nước tỉnh Phú Thọ đã chủ động triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án, thi công các công trình theo kế hoạch và đã đạt được những kết quả tích cực.
Tổng vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tháng 4/2014 ước đạt 160,5 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 3,6% và tăng 2,5% so với tháng cùng kỳ năm trước. Trong đó: Nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 122,3 tỷ đồng; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 24,9 tỷ đồng; vốn ngân sách nhà nước cấp xã ước đạt 13,4 tỷ đồng. Nguyên nhân vốn đầu tư tăng so với tháng trước và cùng kỳ là do các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh chủ yếu thuộc các dự án, công trình có mục tiêu nên nguồn vốn đầu tư được đảm bảo. 
Những công trình đã được khởi công và dự kiến khởi công trong tháng: Đường giao thông nông thôn các khu xã Minh Phú huyện Đoan Hùng; Đường bê tông các khu xã Đỗ Sơn huyện Thanh Ba; Trung tâm học tập cộng đồng xã Phú Lộc, nhà điều hành Trường THCS và Trường Tiểu học xã Phú Lộc, Nhà làm việc UBND xã Phú Mỹ, Nhà điều hành Trường THCS Hạ Giáp, Nhà chức năng Trường Tiểu học Hạ Giáp huyện Phù Ninh; Đường giao thông xã Vực Trường huyện Tam Nông; Nhà văn hoá, đường giao thông nông thôn, Trạm y tế các xã huyện Lâm Thao...
Những công trình đã hoàn thành và dự kiến hoàn thành trong tháng: Đường giao thông các xã Minh Tiến - Bằng Luân huyện Đoan Hùng; Nhà điều hành Trường THCS Ninh Dân, sân vườn Trường Tiểu học Quảng Nạp, đường bê tông nông thôn xã Đỗ Sơn huyện Thanh Ba; Trường Tiểu học Xuân Viên, nhà điều hành Trường Tiểu học Lương Sơn A huyện Yên Lập; Nhà điều hành và lớp học Trường Mầm Non xã Đồng Lương, đường giao thông các xã huyện Cẩm Khê...
IV. Thương mại, dịch vụ, giá cả
a) Bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Những ngày đầu tháng 4 diễn ra giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ Hội Đền Hùng năm 2014, nhiều hoạt động văn hoá - thể thao - thương mại - dịch vụ được tổ chức, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của nhân dân về thăm quan, trẩy hội.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 4/2014 ước đạt 1.613,7 tỷ đồng, tăng 2% so với tháng trước. Trong đó, kinh tế cá thể đạt 914,3 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng cao nhất (56,7%) tăng 2%; tiếp đến là kinh tế tư nhân đạt 544,9 tỷ đồng, chiếm 33,8% và tăng 2,4%;... Phân theo ngành kinh tế, hoạt động thương nghiệp đạt 1.358,7 tỷ đồng, chiếm 84,2% tổng mức và tăng 1%; khách sạn - nhà hàng đạt 187,7 tỷ đồng, chiếm 11,6%, tăng 10,5%; ...
Tính chung 4 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 6.301,9 tỷ đồng, tăng 15,6% so cùng kỳ. Trong đó, kinh tế cá thể đạt 3.655,7 tỷ đồng, chiếm 58% tổng số và tăng 14,9%; Kinh tế tư nhân đạt 2.018,2 tỷ đồng và tăng 19,9%.
b) Xuất, nhập khẩu hàng hoá
Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tháng 4 năm 2014 ước đạt 54 triệu USD tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 24,9% so với cùng kỳ. Trong đó: Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có giá trị xuất khẩu cao nhất đạt 48,3 triệu USD, chiếm 89,4% tổng kim ngạch, tăng 1,9% tháng trước; Kinh tế tư nhân đạt 5,7 triệu USD, tương đương tháng trước.
Thị trường xuất khẩu chủ yếu gồm: thị trường Mỹ ước đạt 14,7 triệu USD chiếm 27,3%, thị trường Hàn Quốc ước đạt 14,2 triệu USD chiếm 26,3%, thị trường Nhật Bản ước đạt 4,5 triệu USD chiếm 8,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.
 Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu trong tháng so với tháng trước gồm: hàng dệt may trị giá 30,6 triệu USD, chiếm 56,7% tổng giá trị, giảm 0,4%; sản phẩm bằng plastic trị giá 17,7 triệu USD, tăng 4,8%; giày dép các loại trị giá 0,51 triệu USD, tăng 9,2%; sản phẩm chè đạt 878,5 tấn, trị giá 1,56 triệu USD, tăng 4,9%.
Sau 4 tháng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá ước đạt 211,7 triệu USD, tăng 17,79% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 191,4 triệu USD, tăng 24,3%; kinh tế tư nhân ước đạt 20,2 triệu USD, giảm 21,4%. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu so với cùng kỳ năm trước gồm: hàng dệt may trị giá 120,4 triệu USD, tăng 13,1%; sản phẩm bằng plastic trị giá 68,2 triệu USD, tăng 32,6%; giày dép các loại trị giá 2,16 triệu USD, giảm 1,7; sản phẩm chè đạt 3,3 ngàn tấn, giảm 53,1% về lượng....
Kim ngạch nhập khẩu hàng hoá trong tháng ước đạt 54,8 triệu USD, tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 21,5% so với cùng kỳ. Trong đó: Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có giá trị nhập khẩu cao nhất đạt 37,9 triệu USD, chiếm 69,1% tổng kim ngạch, tăng 7,6% so với tháng trước; Kinh tế Nhà nước đạt 8,8 triệu USD, chiếm 16,0% tổng giá trị, tăng 1,9% so với tháng trước; Kinh tế Tư nhân ước đạt 8,2 triệu USD, chiếm 14,9% tổng giá trị, giảm 10,3% so với tháng trước.
Thị trường xuất khẩu chủ yếu gồm: thị trường Hàn Quốc ước đạt 20,9 triệu USD chiếm 38,1%, thị trường Trung Quốc ước đạt 12,2 triệu USD, chiếm 22,2%, thị trường Nhật Bản ước đạt 1,7 triệu USD chiếm 3,2% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu trong tháng gồm: Hoá chất ước đạt 11,7 triệu USD, tăng 1,7%; chất dẻo nguyên liệu ước đạt 8,5 ngàn tấn, tăng 8%; vải may mặc trị giá 15,1 triệu USD, tăng   3%; bông xơ ước đạt 2,4 ngàn tấn, giảm 2,4%; phụ liệu hàng may mặc trị giá 5,8 triệu USD, tăng 13,7%;...
Tính chung 4 tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá ước đạt 209,2 triệu USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có giá trị nhập khẩu lớn nhất đạt đạt 139 triệu USD, chiếm 66,4% tổng số, tăng 23,5%; kinh tế Nhà nước đạt 32,3 triệu USD, tăng 18,8%; kinh tế Tư nhân đạt 37,8 triệu USD, giảm 10,4%. Hàng hóa nhập khẩu chủ yếu gồm: Vải may mặc trị giá 55 triệu USD, tăng 11,9%; hoá chất trị giá 40,9 triệu USD, tăng 7,2%; bông xơ ước đạt 11,1 ngàn tấn; phụ liệu hàng may mặc đạt 15,8 triệu USD, tăng 27,5%; chất dẻo nguyên liệu đạt 36 ngàn tấn, tăng 34,2% về lượng;...
c) Chỉ số giá
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2014 tăng 0,16% so tháng trước; so với tháng 12 năm trước (sau 4 tháng) tăng 0,77%; so với tháng 4 năm trước (sau 1 năm) tăng 3,22%; bình quân 4 tháng chỉ số giá tăng 3,02%.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có chỉ số tăng nhẹ 0,08% so tháng trước, bao gồm: nhóm hàng lương thực tăng 0,29%[3]; nhóm hàng thực phẩm giảm 0,05%[4] và nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 0,39%. Sau 4 tháng, chỉ số nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,78%, trong đó nhóm lương thực tăng cao nhất ở mức 2,72%.
Nhóm hàng phi lương thực - thực phẩm chỉ số giá ổn định, riêng nhóm giao thông có chỉ số tăng cao (+1,03%)[5]; nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,14%; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,29%; các nhóm hàng còn lại không tăng so tháng trước.
Giá vàng và đô la Mỹ: Chỉ số giá Vàng và Đô la Mỹ trong tháng 4/2014 đều giảm. Chỉ số giá Vàng giảm 2,27% và chỉ số giá Đô la Mỹ giảm 0,05%. Giá vàng 99,99% bình quân trong tháng là 3.354.000 đồng/chỉ; giá Đô la Mỹ bình quân trong tháng là 21.120 đồng/USD.
V. Hoạt động vận tải
Là tháng đầu tiên trên cả nước đồng loạt thực hiện kiểm tra trọng tải xe tại các tuyến quốc lộ trọng điểm tạo áp lực không nhỏ đến các hoạt động vận tải. Tuy nhiên, do có lễ hội Đền Hùng, nhu cầu đi lại, trẩy hội của nhân dân tăng cao đã đóng góp một phần vào tăng tưởng chung của ngành vận tải. Tổng doanh thu vận tải, bốc xếp, dịch vụ vận tải trong tháng ước đạt 221,8 tỷ đồng, tăng 2,5% so với tháng trước. Trong đó, doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 165 tỷ đồng, tăng 2,4%, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 38,5 tỷ đồng, tăng 4,8%.
Sản lượng vận tải hàng hoá ước đạt 2.773,5 ngàn tấn, tăng 1,5% so tháng trước; sản lượng luân chuyển hàng hoá ước đạt 142.699,8 ngàn tấn.km, tăng 1,7% so tháng trước. Trong đó: Vận tải đường bộ vận chuyển đạt 1.755,4 ngàn tấn và luân chuyển đạt 39.083,6 ngàn tấn.km, so với tháng trước tăng 0,8% về tấn vận chuyển và tăng 1,4% về tấn.km luân chuyển.
Sản lượng vận tải hành khách đường bộ ước đạt 508,4 ngàn hành khách, tăng 4,1%; sản lượng luân chuyển hành khách ước đạt 55.007,3 ngàn hành khách.km, tăng 4,6% so với tháng trước.
Tính chung 4 tháng và so với cùng kỳ năm trước, sản lượng vận tải hàng hoá ước đạt 10.964,8 ngàn tấn, tăng 8%; sản lượng luân chuyển hàng hoá ước đạt 561,1 triệu tấn.km, tăng 8,3%. Sản lượng vận tải hành khách đường bộ ước đạt 2.013,7 ngàn hành khách, bằng 217,8 triệu hành khách.km luân chuyển. So với cùng kỳ năm trước tăng 8,5% về số lượng hành khách vận chuyển và tăng 5,2% về km luân chuyển.
VI. Các vấn đề xã hội
1. Tình hình đời sống dân cư
Tháng 4/2014, toàn tỉnh có trên 207 nghìn hộ nông nghiệp tương ứng với gần 775 nghìn khẩu nông nghiệp, trong đó: số hộ thiếu đói kỳ tháng 4/2014 là 690 hộ, chiếm 0,3% số hộ nông nghiệp, giảm 477 hộ so với tháng cùng kỳ (tương ứng với 2.260 nhân khẩu thiếu đói). Tình hình thiếu đói tập trung ở huyện Yên Lập, Cẩm Khê và huyện Tân Sơn do một số hộ nông nghiệp thiếu đất sản xuất lương thực, không có nghề phụ, trong hộ có người bị bệnh tật, ốm đau...
2. Hoạt động y tế
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số dịch bệnh như: sởi, cúm, sốt virus,... phân bố rải rác ở một số huyện, thành, thị. Nhưng nhìn chung đến thời điểm này tình hình dịch bệnh đã tạm thời ổn định, Sở Y tế đã tăng cường tuyên truyền cung cấp thông tin về dịch bệnh và cách phòng, tránh cho người dân; giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến của dịch sởi trên địa bàn không để dịch bệnh lan rộng.
Công tác y tế trong dịp Giỗ tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm 2014 được tăng cường và đảm bảo, các ngành chức năng đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra liên ngành nhằm kiểm soát chất lượng các quán hàng, dịch vụ trong và ngoài Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Theo thống kê, tính đến hết tháng 3, các đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra 2.389 cơ sở, trong đó có 81,3% số cơ sở đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
3. Hoạt động văn hoá, thể thao
Tháng 4 là thời điểm diễn ra nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội dân tộc trên địa bàn tỉnh. Điểm sáng là Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng từ ngày 6 đến 10/3 âm lịch, do UBND tỉnh chủ trì tổ chức với sự tham gia của 4 tỉnh: Bắc Ninh, Quảng Bình, Vĩnh Long và Long An với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc. Trong đó phần lễ gồm: Dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng; giỗ Quốc Tổ Lạc Long Quân; dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ; dâng hương tại các di tích thờ Hùng Vương và các danh nhân; lễ rước kiệu của các xã vùng ven Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Phần hội bao gồm các hoạt động như: Hội trại văn hoá, biểu diễn nghệ thuật, trưng bày sản vật và văn hoá ẩm thực của 13 huyện, thị, thành trong tỉnh; đánh trống đồng, múa sư tử; hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh dầy; triển lãm ảnh “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - cội nguồn đất Tổ”,… Qua đánh giá, năm nay số lượng du khách về tham dự Lễ hội Đền Hùng gia tăng đáng kể với nhiều triệu lượt người.
4. Về an ninh trật tự, an toàn xã hội
Trong tháng diễn ra lễ hội Đền Hùng, lượng người và phương tiện đổ về khu vực lễ hội tăng đột biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn về an ninh trật tự và tai nạn giao thông. Các ngành và lực lượng chức năng tiếp tục đảm bảo tốt trật tự ATGT; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự ATGT, quyết liệt trong xử lý xe quá khổ, quá tải; tăng cường công tác giải tỏa hành lang ATGT...
Theo thống kê của Ban an toàn giao thông tỉnh, lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/03/2014 trên địa bàn tỉnh xảy ra 11 vụ tai nạn và 14 vụ va chạm giao thông làm 13 người chết và 26 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giảm 4 vụ, số người chết giảm 4 người, số người bị thương giảm 9 người.
5. Về tình hình cháy nổ, vi phạm môi trường
a. Tình hình cháy, nổ:
Theo báo cáo của 13 Chi cục Thống kê huyện, thành, thị từ ngày 15/03/2014 đến ngày 15/04/2014, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ xảy ra 3 vụ cháy (TP Việt Trì: 1 vụ, huyện Phù Ninh: 1 vụ, huyện Hạ Hòa: 1 vụ) giá trị thiệt hại ước tính 250 triệu đồng. Lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/04/2014, toàn tỉnh xảy ra 22 vụ cháy, 1 vụ nổ, giá trị thiệt hại ước tính 2.486 triệu đồng.
b. Vi phạm môi trường:
Theo báo cáo của ngành chức năng, từ ngày 15/03/2014 đến ngày 15/04/2014 trên địa bàn tỉnh không có vụ vi phạm môi trường bị phát hiện và xử lý. Tuy nhiên, môi trường ở các làng nghề trong tỉnh hiện đang ở tình trạng báo động, bị ô nhiễm khá nặng, nguồn nước thải không được xử lý triệt để đã tác động xấu đến môi trường. Bên cạnh đó, môi trường không khí trong tỉnh cũng chịu tác động xấu từ bụi và khí thải từ các hoạt động công nghiệp, giao thông vận tải. Tình hình thu gom rác thải mới chỉ thực hiện ở khu vực thành thị nhưng với khu vực nông thôn, hầu hết chưa có biện pháp thu gom rác thải tập trung mà chủ yếu là đổ vào ao, hồ hoặc chôn lấp ở vườn gây ô nhiễm môi trường.
6. Tình hình thiên tai:
Ngày 06/04/2014, trên địa bàn huyện Thanh Sơn đã xảy ra trận mưa lớn kèm theo lốc xoáy làm thiệt hại 0,28 ha diện tích hoa màu; 1,8 diện tích cây công nghiệp và tốc mái 5 ngôi nhà ở với giá trị thiệt hại nhà ước tính 50 triệu đồng.
Tóm lại: Trong tháng 4 năm 2014 UBND tỉnh cùng các cấp, ngành, nhân dân trong tỉnh đã tổ chức thành công Giỗ tổ Hùng Vương- Lễ Hội Đền Hùng và các hoạt động văn hoá với nghi lễ trang nghiêm, thành kính, an toàn, đã thu hút đông đảo đồng bào ở mọi miền Tổ quốc, kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế về dự. Tình hình kinh tế- xã hội đã đạt được những kết quả tích cực, sản xuất nông nghiệp được duy trì; sản xuất công nghiệp có dấu hiệu phục hồi, hàng tồn kho có xu hướng giảm dần; chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục được kiềm chế; các hoạt động kinh doanh khu vực dịch vụ giữ ổn định và có xu hướng phát triển, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, đời sống và sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh của khối doanh nghiệp nói chung vẫn còn gặp khó khăn cần sự quan tâm, chỉ đạo, giúp đỡ kịp thời của các cấp, các ngành./.
 

[1] UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 620/QĐ-UBND ngày 19/3/2014 công bố hết dịch bệnh cúm gia cầm H5N1 trên địa bàn xã Đông Lĩnh, huyện Thanh Ba. Theo đó, các hoạt động chăn nuôi, vận chuyển, mua bán, giết mổ gia cầm, sản phẩm có nguồn gốc từ gia cầm được phép hoạt động trở lại bình thường.
[2] Chỉ số ngành khai khoáng 4 tháng chỉ đạt 94,63 % so với cùng kỳ
[3] Nhóm gạo chỉ số tăng 0,38%; nhóm bột mỳ và ngũ cốc khác, tăng 0,35%; nhóm lương thực chế biến giảm 0,48%,...
[4] Nhóm thịt gia súc tươi sống giảm 2,13% do ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh.
[5] Nhóm phương tiện đi lại tăng 1,96%; nhóm nhiên liệu tăng 0,48%.
Click để đánh giá bài viết Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây