Tình hình kinh tế - xã hội Quí I năm 2014

Thứ năm - 20/03/2014 04:04 4.113 0
Tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh quý I năm 2014, bên cạnh những thuận lợi cơ bản như: Sản xuất công nghiệp tiếp tục có dấu hiệu phục hồi; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng; giá cả thị trường được kiềm chế hiệu quả; an sinh xã hội được bảo đảm; trật tự, an toàn xã hội được giữ vững;...
Tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh quý I năm 2014, bên cạnh những thuận lợi cơ bản như: Sản xuất công nghiệp tiếp tục có dấu hiệu phục hồi; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng; giá cả thị trường được kiềm chế hiệu quả; an sinh xã hội được bảo đảm; trật tự, an toàn xã hội được giữ vững;... Tuy nhiên, sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản gặp những khó khăn như: xuất hiện dịch cúm gia cầm (H5N1)[1]; thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài, lượng mưa thấp gây ra hạn hán cục bộ ở một số địa phương; giá nông sản có xu hướng giảm đã hạn chế việc đầu tư thâm canh trong sản xuất của người nông dân. Sau đây là tình hình kinh tế - xã hội chủ yếu quý I/2014 của toàn tỉnh:
I. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
1. Trồng trọt
a) Kết quả sản xuất vụ đông 2013-2014
Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 15,9 ngàn ha, giảm 2,4% so với vụ đông 2012-2013 (-386,7 ha), trong đó: diện tích gieo trồng ngô đạt 8,93 ngàn ha, giảm 4,4%[2]; khoai lang đạt 1,56 ngàn ha, giảm 13,3%; rau xanh các loại đạt 4,89 ngàn ha, tăng 8,0%; diện tích nhóm cây công nghiệp hàng năm giảm 110 ha;... Nguyên nhân diện tích gieo trồng cây vụ đông giảm chủ yếu là do giá sản bán phẩm của người sản xuất thấp nên người nông dân có tâm lý không tập trung đầu tư cho sản xuất vụ đông.
Nhìn chung, sản xuất vụ đông năm nay diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi nên cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất các loại cây trồng đạt khá: Năng suất cây ngô vụ đông đạt 46,22 tạ/ha, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước; năng suất cây khoai lang đạt 64,59 tạ/ha, tăng 0,5%; cây rau xanh các loại đạt 144,46 tạ/ha, tăng 4,7%; đỗ tương đạt 17,44 tạ/ha, giảm 3,7%; cây đậu các loại đạt 14,41 tạ/ha, tăng 1,1%; cây lạc đạt 15,39 tạ/ha, giảm 4,7% so với vụ đông năm trước.
Sản lượng ngô vụ đông thu hoạch đạt 41,3 ngàn tấn, so với vụ đông năm trước giảm 3,3% (-1,4 ngàn tấn); sản lượng cây khoai lang đạt 10,1 ngàn tấn, giảm 12,9% (sản lượng ngô, khoai lang giảm so với cùng vụ năm trước chủ yếu là do diện tích gieo trồng năm nay giảm mạnh[3]); sản lượng rau các loại đạt 70,6 ngàn tấn, tăng 13,03%; sản lượng cây đỗ tương đạt 289,3 tấn; sản lượng cây lạc đạt 78,2 tấn; sản lượng cây đậu các loại vụ đông đạt 74,6 tấn.
b) Sản xuất vụ chiêm xuân 2014
Ngay từ đầu vụ, các địa phương đã chủ động mọi nguồn nước để tập trung cho sản xuất, một số diện tích lúa, màu đã gieo trồng bị chết do rét đã kịp thời gieo trồng bổ sung nhằm đảm bảo kế hoạch, theo đúng khung lịch thời vụ. Đến nay, tổng diện tích gieo cấy lúa chiêm xuân toàn tỉnh ước đạt 36,6 ngàn ha, bằng 53% kế hoạch cả năm 2014, tăng 0,6% so với cùng vụ năm trước. Hiện nay, thời tiết đang ấm dần, có mưa nhỏ trên diện rộng, bà con nông dân đang tận dụng mọi nguồn nước để nuôi dưỡng cho cây lúa bén rễ, sinh trưởng, phát triển.
Diện tích gieo trồng ngô vụ xuân ước tính đạt 5,0 ngàn ha, giảm 9,9% so với cùng vụ năm trước; diện tích gieo trồng rau xanh các loại ước đạt 4,2 ngàn ha, tăng 18,8%; diện tích gieo trồng cây lạc ước đạt 3,5 ngàn ha, giảm 8,1%;...
2. Chăn nuôi gia súc, gia cầm
Tình hình chăn nuôi trong quý I/2014 trên địa bàn tỉnh gặp một số khó khăn, trong tháng 2/2014 đã xuất hiện 02 ổ dịch cúm gia cầm H5N1 ở huyện Tam Nông và Thanh Ba[4]; ngày 22/02/2014 Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 414/QĐ-UBND về công bố dịch cúm gia cầm H5N1 trên địa bàn xã Đông Lĩnh, huyện Thanh Ba. Trước tình hình đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, liên quan và huyện Thanh Ba khẩn trương, quyết liệt các biện pháp phòng, chống và dập dịch cúm gia cầm tại vùng công bố dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm theo quy định; đồng thời theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm lây sang người theo quy định. Dịch cúm gia cầm cũng đã ảnh hưởng tới tâm lý người tiêu dùng làm cho giá cả sản phẩm đầu ra thấp gây khó khăn đối với ngành chăn nuôi.
Tuy nhiên, những khó khăn của ngành chăn nuôi đã được các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở quan tâm, chia sẻ, tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn và động viên nhân dân ổn định sản xuất, nên đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh vẫn duy trì được quy mô số lượng tổng đàn hợp lý phục vụ cho sản xuất và nhu cầu đời sống của nhân dân. Tổng đàn trâu toàn tỉnh ước tính 70,7 ngàn con, giảm 1,4% so cùng kỳ năm trước; tổng đàn bò ước tính 90,6 ngàn con, tăng 1,8%; tổng đàn lợn ước tính 744,0 ngàn con, giảm 0,9% và tổng đàn gia cầm ước tính 9,9 ngàn con, giảm 6,5%.
Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng trong quí I ước đạt 34,9 ngàn tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: sản lượng thịt gia súc hơi xuất chuồng ước đạt 30,1 ngàn tấn, tăng 4,6%; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt 4,9 ngàn tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2013.
3. Lâm nghiệp
Thực hiện kế hoạch trồng rừng tập trung năm 2014 và hưởng ứng phong trào "Tết trồng cây xuân Giáp Ngọ 2014", các huyện, thành, thị đã tích cực triển khai tổ chức công tác trồng rừng tập trung và trồng cây đầu xuân. Tổng diện tích rừng trồng mới tập trung quý I/2014 trên địa bàn tỉnh ước tính đạt 1.944,6 ha, bằng 30% so với kế hoạch năm, tăng 45,6% so với cùng kỳ năm trước.
 Tổng sản lượng gỗ các loại khai thác trong quý I/2014 ước tính đạt 56 ngàn m3, tương đương với cùng kỳ năm 2013.
4. Nuôi trồng thuỷ sản
 Tổng diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản ước đạt 7,9 ngàn ha, bằng 79,1% kế hoạch năm, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2013. Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng quý I năm 2014 ước đạt 5,5 ngàn tấn, bằng 19,7% kế hoạch cả năm, tăng 8,6% (+436 tấn) so cùng kỳ năm trước. Hiện nay, các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản đang tích cực mở rộng quy mô diện tích nuôi cá giống, đồng thời đầu tư nạo vét và vệ sinh ao, hồ, đầm để tiếp tục nuôi thả cá, nuôi gối vụ, thâm canh nhằm tăng năng suất, sản lượng thuỷ sản.
II. Sản xuất công nghiệp
Quí I năm 2014, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tuy có dấu hiệu phục hồi nhưng cơ bản vẫn gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng không tích cực của nền kinh tế trong nước và thế giới, phần lớn các doanh nghiệp cố gắng duy trì sản xuất để đảm bảo đủ việc làm cho người lao động, ổn định đời sống. Chỉ số sản xuất quí I năm 2014 tăng so với cùng kỳ nhưng ở mức thấp, do một số doanh nghiệp lượng tồn kho sản phẩm ở một số thời điểm còn ở mức cao nên sản xuất phải cầm chừng; mặt khác sức mua một số loại sản phẩm trên thị trường giảm nhất là các sản phẩm thuộc ngành chế biến thực phẩm và đồ uống giảm mạnh nên đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung toàn ngành công nghiệp.
- Chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ quí I năm 2014, tăng 2,4%  so với quí I năm 2013, mức tăng năm nay thấp hơn cùng kỳ năm trước (quí I năm 2013 tăng 3,17% so với quí I năm 2012).
+ Nhóm ngành công nghiệp khai khoáng: Chỉ số sản xuất tăng 12,1% so với quí I năm 2013. Nguyên nhân sản xuất nhóm ngành công nghiệp khai khoáng tăng so với cùng kỳ là do ngành khai khoáng khác nhu cầu tiêu thụ sản phẩm như: đá làm xi măng, đá làm đường, sản phẩm cao lanh tăng cao nên nhiều doanh nghiệp đã ký được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định, sản lượng khai thác tăng khá (riêng ngành khai khoáng khác chỉ số sản xuất tăng 32,6% so với quí I/2013). Tuy nhiên, một số doanh nghiệp trong ngành khai thác quặng kim loại do không bán được sản phẩm nên đã tạm ngừng sản xuất từ tháng 1/2014 nên đã làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng chung của nhóm ngành công nghiệp khai khoáng.
+ Nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo: Chỉ số sản xuất tăng 1,26 % so với cùng kỳ năm trước; có 9/13 ngành công nghiệp cấp 2 có chỉ số tăng trưởng dương (tăng từ 2,31% đến 25,45%). Một số ngành có tốc độ tăng khá như: ngành sản xuất thiết bị điện tăng 25,45%; ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 20,27%; ngành sản xuất sản phẩm từ cao su và palastic tăng 13,48%; ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 6,21%;…. Bên cạnh đó, có 2 ngành có kết quả sản xuất giảm so với cùng kỳ do ảnh hưởng của sức mua trên thị trường như: ngành chế biến thực phẩm giảm 12,72% và ngành sản xuất đồ uống giảm 21,39%.
+ Nhóm ngành sản xuất, phân phối điện tăng 11,7%;
+ Nhóm ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 12,13%.
- Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 2 tháng có mức tiêu thụ giảm 5,3% so với 2 tháng năm 2013. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm mạnh như: ngành chế biến thực phẩm giảm 10,1%; ngành sản xuất đồ uống giảm 15,9%; ngành dệt giảm 11,1%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 3,4%. Tuy nhiên, một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao như: ngành sản xuất trang phục tăng 26,4%; ngành sản xuất phân bón và hợp chất nitơ tăng 18,5%; ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 22,5 %; ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 14,3%. 
- Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thời điểm 1/3/2014 đã tăng 4,8% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, một số ngành có mức tồn tăng cao như: ngành chế biến thực phẩm tăng 50,8%; ngành dệt tăng 69%; ngành sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 26,2%. Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm như: ngành sản xuất phân bón giảm 27,2%; ngành sản xuất sản phẩm từ chất khoáng phi kim loại giảm 17,6%.
III. Vốn đầu tư thực hiện và hoạt động xây lắp
  1. Vốn đầu tư thực hiện
Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn quý I/2014 ước đạt 2.743,4 tỷ đồng, bằng 72,53% so với quý IV/2013 và tăng 1,7% so với quý cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 1.133,4 tỷ đồng, bằng 59,76% so với quý IV/2013 và bằng 94,38% so với quý cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư thực hiện khu vực ngoài nhà nước ước đạt 1.432,5 tỷ đồng, bằng 87,56% so với quý IV/2013 và tăng 7,54% so với quý cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước thực hiện 177,5 tỷ đồng, giảm 28,96% so quý IV/2013 và tăng 7,9% so với quý cùng kỳ năm trước. Tính đến tháng 2/2014 trên địa bàn tỉnh thu hút được 1 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với số vốn đăng ký 2,86 triệu USD.
Trong quý có một số công trình do Ban quản lý dự án công trình xây dựng NN&PTNN làm chủ đầu tư có khối lượng vốn đầu tư thực hiện đạt khá, ước thực hiện 133,02 tỷ đồng. Một số hạng mục có khối lượng thực hiện lớn như: Nhóm dự án tu bổ, gia cố và nâng cấp đê kết hợp giao thông ước thực hiện 59,87 tỷ đồng; các dự án xây dựng hạ tầng vùng lũ quét ước thực hiện 68,5 tỷ đồng; nhóm dự án xây dựng hồ, đập - hệ thống tưới, tiêu sản xuất nông nghiệp ước thực hiện 23,1 tỷ đồng; nhóm dự án nuôi trồng thuỷ sản ước thực hiện 6,6 tỷ đồng, v.v...
  1. Hoạt động xây lắp
Hoạt động sản xuất kinh doanh xây lắp quý I năm 2014 trên địa bàn tỉnh giảm so với quý trước nhưng tăng so với cùng kỳ năm trước. Tổng giá trị sản xuất xây lắp theo giá thực tế ước đạt 1.524,7 tỷ đồng, giảm 42% so với quý IV năm 2013, tăng 12,4% so với quý cùng kỳ năm trước (chưa loại trừ yếu tố trượt giá), trong đó: khu vực doanh nghiệp nhà nước ước thực hiện 32 tỷ đồng, giảm 11% so với quý trước, tăng 3,2% so với quý cùng kỳ năm trước; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước ước thực hiện 853,6 tỷ đồng, giảm 50% so với quý IV năm 2013, nhưng tăng 13,5% so với quý I năm 2013; các loại hình khác ước thực hiện 639,1 tỷ đồng, giảm 28% so với quý trước, tăng 11,5% so với quý cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, giá trị sản xuất xây lắp trên địa bàn tỉnh giảm so với quý trước là do thời gian nghỉ Tết nguyên đán năm nay kéo dài; mặt khác thời điểm đầu năm nhiều doanh nghiệp chưa ký được hợp đồng mới, các công trình từ năm trước chuyển sang không nhiều, hạn chế việc làm đối với cho người lao động. Tuy nhiên, Giá trị sản xuất xây lắp có mức tăng cao so với quý cùng kỳ năm trước là do lạm phát tiếp tục được kiểm soát, một số chính sách của Chính phủ tác động nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đang phát huy hiệu quả.
IV. Thương mại, giá cả, dịch vụ
1. Bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Quý I/2014, tình hình kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định. Là quý có Tết Nguyên đán, thị trường hàng hoá phong phú nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt đã phục vụ người dân đón Tết đầy đủ và an toàn. Trong dịp Tết vừa qua trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng dư thừa hàng hoá, “sốt giá” và hàng giả, hàng kém chất lượng.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội quí I/2014 ước đạt 4.712,9 tỷ đồng, tăng 15,0% so với cùng quý năm 2013. Trong đó, doanh thu dịch vụ thương nghiệp đạt 4.038,9 tỷ đồng, tăng 14,57%; doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 492,9 tỷ đồng, tăng 16,96%; doanh thu hoạt động dịch vụ khác đạt 181,1 tỷ đồng, tăng 19,54% so với cùng quý năm 2013.
Trong tổng mức 4.712,9 tỷ đồng: kinh tế Nhà nước đạt 366,76 tỷ đồng, giảm 2,15% so với quí cùng kỳ năm trước; kinh tế cá thể đạt 2.767,36 tỷ đồng, tăng 16,67%; kinh tế tư nhân đạt 1.421,03 tỷ đồng, tăng 10%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 88,97 tỷ đồng, tăng 57,91% (tăng cao là do cùng kỳ năm trước chưa có Doanh nghiệp Big C).
2. Xuất, nhập khẩu hàng hoá
Tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu hàng hoá quý I năm 2014 ước đạt 150,1 triệu USD, tăng 9,96% so với cùng kỳ năm trước, trong tổng kim ngạch xuất khẩu: khu vực FDI đạt 136,1 triệu USD chiếm 90,67% và tăng 16,89% so với cùng kỳ năm 2013; kinh tế tư nhân đạt 14,0 triệu USD, giảm 30,24%. Hàng xuất khẩu chủ yếu gồm hàng dệt may xuất khẩu đạt 82,2 triệu USD; sản phẩm bằng plastic trị giá đạt 51,0 triệu USD; giày dép các loại trị giá đạt 1,6 triệu USD; sản phẩm chè đạt 2.402,6 tấn, trị giá đạt 4,2 triệu USD; thực phẩm chế biến trị giá đạt 0,35 triệu USD; hàng hoá khác trị giá đạt 2,63 triệu USD.
Tổng trị giá kim ngạch nhập khẩu hàng hoá quý I năm 2014 ước đạt 148,8 triệu USD, tăng 8,74% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: khu vực FDI đạt 99,7 triệu USD, chiếm 66,98% và tăng 20,94% so với cùng kỳ năm 2013; kinh tế Nhà nước đạt 21,0 triệu USD, giảm 3,17%; kinh tế tư nhân đạt 28,1 triệu USD, giảm 14,1%. Hàng hoá nhập khẩu chủ yếu gồm: vải may mặc trị giá đạt 36,5 triệu USD; hoá chất trị giá ước đạt 24,4 triệu USD; bông xơ ước đạt 8.945,5 tấn, trị giá 9,4 triệu USD; phụ liệu hàng may mặc trị giá đạt 7,6 triệu USD; chất dẻo nguyên liệu đạt 30.927,4 tấn, trị giá 44,3 triệu USD; máy móc, thiết bị phụ tùng khác trị giá đạt 18,0 triệu USD và hàng hoá khác trị giá đạt 1,0 triệu USD.
3. Chỉ số giá tiêu dùng
Mặc dù trong quí có Tết nguyên đán song thị trường bán lẻ hàng hoá tiêu dùng trên địa bàn tỉnh khá ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 năm 2014 giảm 0,45% so tháng trước; so với cùng tháng năm trước (sau 1 năm) tăng 2,16%; so với tháng 12 năm trước (sau 3 tháng) tăng 0,61%; bình quân 3 tháng năm 2014 so với cùng kỳ năm trước tăng 2,95%.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống là nhóm có tác động lớn nhất đến đời sống nhân dân có chỉ số bằng 99,04% (giảm 0,96%) so với tháng trước, trong đó: nhóm hàng lương thực tăng 0,46%; nhóm hàng thực phẩm giảm 1,69% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,40%. Sau 3 tháng, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,70%, trong đó: nhóm lương thực tăng 2,42%; nhóm thực phẩm 0,01%; ăn uống ngoài gia đình tăng 1,43%.
Trong số 10 nhóm hàng phi lương thực - thực phẩm được điều tra và phản ánh thường xuyên cho thấy, bình quân so với cùng kỳ năm trước: Nhóm giáo dục có chỉ số tăng cao nhất (8,66%); đồ uống và thuốc lá (6,93%); may mặc, mũ nón, dày dép (5,56%); nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng có chỉ số tăng (5,32%); nhóm hàng hóa và dịch vụ khác (5,70%); nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình (2,26%); thuốc và dịch vụ y tế (2,30%); văn hóa, giải trí và du lịch (1,53%); giao thông (3,28%); bưu chính viễn thông giá cơ bản ổn định.
Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ: Chỉ số giá vàng tăng 3,50% so tháng trước, tăng 4,00% so tháng 12 năm trước và giảm 17,52% so cùng tháng năm trước. Chỉ số giá Đô la Mỹ giảm 0,03% so tháng trước, giảm 0,11% so tháng 12 năm trước và tăng 0,86% so cùng tháng năm trước.
4. Hoạt động vận tải
Trong quý I/2014, tuy giá xăng dầu mới được điều chỉnh tăng giá nhưng mức tăng không đáng kể; thời tiết khô ráo tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh hoạt động. Các đơn vị kinh doanh vận tải vẫn duy trì tốt chất lượng phục vụ, đầu tư nâng cấp, cải tiến phương tiện vận chuyển  nhằm đảm bảo vận chuyển hành khách, hàng hoá phục vụ nhu cầu của nhân dân kịp thời, thuận lợi và an toàn.
Tổng doanh thu vận tải, bốc xếp, dịch vụ trong quý ước đạt 653,8 tỷ đồng, tăng 10,74% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: doanh thu vận tải đường bộ ước đạt 496,3 tỷ đồng, tăng 9,7%; doanh thu vận tải đường sông ước đạt 157,5 tỷ đồng, tăng 13,49%.
Sản lượng vận chuyển hàng hoá trong quý I/2014 ước đạt 8,2 triệu tấn, tăng 5,97% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng luân chuyển hàng hoá ước đạt 414,3 triệu tấn.km, tăng 7,68% so cùng kỳ năm 2013. Sản lượng vận chuyển hành khách ước đạt 1,51 triệu hành khách, tăng 6,07%; sản lượng luân chuyển hành khách ước đạt 163,6 triệu hành khách.km, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước.
V. Tài chính, ngân hàng
Tổng thu ngân sách nhà nước đến hết tháng 2/2014 đạt 406,7 tỷ đồng, bằng 16,21% dự toán, trong đó thu từ kinh tế nhà nước đạt 164,8 tỷ đồng, chiếm 40,5% và bằng 14,59% dự toán.
Tổng chi ngân sách nhà nước địa phương đến hết tháng 2/2014 đạt 1.873,1 tỷ đồng, bằng 23,8% dự toán, trong đó chi thường xuyên đạt 852,1 tỷ đồng, bằng 14,52% dự toán.
Tình hình hoạt động tiền tệ, tín dụng, ngân hàng trên địa bàn tiếp tục duy trì ổn định và phát triển, nguồn vốn có mức tăng trưởng khá, đáp ứng tốt các nhu cầu của khách hàng. Đến hết quý I/2014, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn ước đạt 21,6 ngàn tỷ đồng, so với cuối năm 2013, tăng 1,57%. Tổng dư nợ cho vay ước đạt 22,6 ngàn tỷ đồng; giảm 2,33% so với cuối năm 2013.
VI. Các vấn đề xã hội
  1. Tình hình đời sống dân cư
Hiện nay, toàn tỉnh có trên 207 nghìn hộ nông nghiệp tương ứng với khoảng 774 nghìn khẩu nông nghiệp, trong đó: kỳ tháng 3/2014 số hộ thiếu đói là 551 hộ, chiếm 0,27% tổng số hộ nông nghiệp, giảm 1.342 hộ so với tháng cùng kỳ năm trước, tương ứng số nhân khẩu thiếu đói 1.839 nhân khẩu, chiếm 0,23% tổng số nhân khẩu nông nghiệp, giảm 4.860 khẩu so với tháng cùng kỳ năm trước; so với kỳ tháng trước số hộ, số khẩu thiếu đói giảm đáng kể. Trong tháng 2/2014 số hộ thiếu đói nhận được sự hỗ trợ từ các cấp dưới nhiều hình thức như: gạo, tiền mặt nhằm ổn định cuộc sống (tổng số gạo được hỗ trợ là 39,7 tấn; tiền mặt hỗ trợ trên 200 triệu đồng). Trong tổng số hộ thiếu đói không có hộ nào bị thiếu đói gay gắt và không có hộ nào thuộc diện chính sách bị thiếu đói. Thiếu đói trong kỳ chủ yếu xảy ra ở huyện Yên Lập do một số hộ nông nghiệp thiếu đất sản xuất lương thực, không có nghề phụ, một số hộ có người bị bệnh tật, ốm đau, thiếu lao động ….
Công tác chăm lo Tết cho người nghèo, cho các đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội v.v....được các ngành, các cấp, các tổ chức trong tỉnh đặc biệt quan tâm. Theo thống kê trước và trong dịp tết Nguyên đán Giáp Ngọ, các ngành, các cấp đã tổ chức hỗ trợ, tặng quà với 80.959 xuất quà, tổng trị giá 16.124,4 triệu đồng; hỗ trợ 5,04 tấn gạo và 1.245,8 triệu đồng cho các hộ nghèo ăn Tết.
  1. Giáo dục, đào tạo
Phát huy những kết quả đã  đạt được trong học kỳ I, học kỳ II năm học 2013-2014, ngành GD&ĐT tỉnh chú trọng duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn; giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đảm bảo cơ cấu và chuẩn hóa về trình độ; đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường mầm non, trường phổ thông đạt chuẩn Quốc gia ở các cấp học theo kế hoạch của UBND tỉnh; huy động nguồn lực để tăng cường cơ sở vật chất, đồng thời quan tâm hơn nữa đến giáo dục miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, ngành đã tập trung giải quyết những vấn đề dư luận xã hội quan tâm như: dạy thêm, học thêm, thu chi các loại quỹ trong trường học.
Qua một học kỳ triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của năm học, quy mô mạng lưới các trường đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và các điều kiện trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch xây dựng trường chuẩn Quốc gia, Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên được triển khai tích cực, trong học kỳ có 47 trường được công nhận trường chuẩn Quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia lên 477 trường, đạt 52,1%. Sở GD&ĐT tập trung chỉ đạo các trường thực hiện nghiêm túc, linh hoạt, sáng tạo chương trình, kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Bộ; tiếp tục thực hiện các nội dung giáo dục tích hợp, lồng ghép, từng bước nâng cao, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh; tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để duy trì tỷ lệ chuyên cần và vận động học sinh bỏ học đến lớp, giảm thiểu tỷ lệ học sinh bỏ học. Kết thúc học kỳ I năm học 2013-2014, ở  cấp tiểu học không có học sinh bỏ học; THCS có 119 học sinh bỏ học; THPT có 291 học sinh bỏ học, so với cùng kỳ năm học trước số học sinh bỏ học giảm.
Công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được đặc biệt quan tâm. Hiện nay, về cơ bản đội ngũ giáo viên đủ về số lượng; tỷ lệ giáo viên có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo ở các cấp học khá cao. Tỷ lệ giáo viên có trình độ đạt chuẩn ở giáo dục mầm non là 99,2%; ở giáo dục tiểu học là 99,86%; ở THCS là 99,98 và THPT là 99,06%. Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành GD&ĐT còn gặp một số khó khăn, tồn tại cần giải quyết như sau:
- Cơ sở vật chất, trang, thiết bị dạy học chưa đầy đủ và hiệu quả sử dụng ở một số trường còn hạn chế; tỷ lệ huy động trẻ ra lớp ở độ tuổi nhà trẻ còn thấp.
- Tiến độ xây dựng trường chuẩn Quốc gia ở một số địa phương, đơn vị còn chậm so với yêu cầu. Việc phân luồng học sinh sau THCS còn gặp nhiều khó khăn, các trường TCCN và dạy nghề chưa thu hút được học sinh vào học.
- Đội ngũ giáo viên của tỉnh vẫn chưa đồng bộ về cơ cấu bộ môn, dẫn đến vẫn còn thiếu giáo viên ở một số môn học; giáo viên mầm non ở một số huyện chưa đủ định mức giáo viên/lớp; chế độ chính sách cho giáo viên mầm non ngoài biên chế còn có nhiều khó khăn.
3. Hoạt động y tế
Quý I năm 2014, mặc dù thời tiết diễn biến thất thường, ảnh hưởng nhiều đợt gió mùa, rét đậm, rét hại kéo dài,… nhưng tình hình kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm được diễn ra thường xuyên nên đời sống, sức khỏe nhân dân ổn định. Sở Y tế tỉnh Phú Thọ tiếp tục chỉ đạo 13 Trung tâm Y tế huyện, thành, thị, Bệnh viện tỉnh tăng cường các hoạt động tuyên truyền, thông tin, giám sát phòng chống dịch bệnh trong dịp tết và mùa lễ hội; triển khai hiệu quả các hoạt động chương trình mục tiêu Quốc gia Y tế, Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn…
Ở một số tỉnh, thành lân cận, dịch sởi xuất hiện với xu hướng gia tăng và diễn biến rất phức tạp, tuy nhiên theo báo cáo từ ngành chức năng, trong 2 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh mới chỉ phát hiện 2 trường hợp dương tính với sởi. Sở Y tế đã chỉ đạo cơ sở rà soát, thống kê trẻ em dưới 2 tuổi chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin sởi theo quy định đê cáo biện pháp phòng chống; các đối tượng nguy cơ cao trong ổ dịch sởi cần được tiêm phòng vắc xin chống dịch theo chỉ định; xây dựng kế hoạch tiêm vét vắc xin sởi để triển khai đồng bộ trên phạm vi toàn tỉnh. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền cung cấp thông tin về dịch bệnh và cách phòng, tránh cho người dân; giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến của dịch sởi trên địa bàn, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch, không để lan rộng.
Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được đặc biệt quan tâm. Ngành chức năng đã thành lập các đoàn tiến hành thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Công tác thông tin, giáo dục truyền thông về VSATTP đã được đẩy mạnh, đa dạng dưới nhiều hình thức với các nội dung phong phú, đặc biệt tập trung vào các đợt cao điểm như Tết Nguyên đán, các ngày lễ hội,... Theo báo cáo của ngành chức năng, trong tháng 2/2014, trên địa bàn tỉnh không có vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra; lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 2/2014, trên địa bàn tỉnh chỉ có 1 vụ ngộ độc thực phẩm với 22 người mắc, không có trường hợp nào tử vong do ngộ độc thực phẩm.
Công tác khám chữa bệnh được duy trì tốt, các thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến của y học như: can thiệp tim mạch, điều trị ung thư bằng máy gia tốc,...đã được ứng dụng; các loại hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngày càng đa dạng. Đến nay, 17 Bệnh viện đa khoa trên địa bàn tỉnh cơ bản hoàn thành việc xây dựng mới cơ sở hạ tầng, 275/277 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế giai đoạn I, trong đó có 55 xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế giai đoạn II.
4. Hoạt động văn hoá, thể thao
Quý I năm 2014, ngành Văn hóa, thể thao và du lịch (VH&TT-DL) tỉnh đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền trực quan, tuyên truyền bề rộng phục vụ các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước đổi mới và kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ về thăm xã Đào Xá, huyện Thanh Thuỷ,...đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Nhằm tạo khí thế vui tươi, phấn khởi đáp ứng nhu cầu giải trí của nhân dân trong dịp năm mới, Sở VHTT&DL đã phối hợp với UBND thành phố Việt Trì tổ chức chương trình nghệ thuật với 16 tiết mục được dàn dựng công phu, hình thức phong phú do các diễn viên chuyên nghiệp của Đoàn kịch nói, Đoàn nghệ thuật Chèo thể hiện. Đồng thời, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp vào thời điểm giao thừa ở 2 điểm (Tp. Việt Trì và huyện Tân Sơn). Trong không khí phấn khởi của những ngày đầu năm mới, Hội báo Xuân được tổ chức thường niên đã góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân và là ngày hội để những người làm báo trên vùng đất Tổ giới thiệu những ấn phẩm báo chí, phát thanh truyền hình đến với bạn đọc, khán thính giả trong và ngoài tỉnh.
Phát huy truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”, các ngành, các cấp đã tổ chức dâng hương Đền Hùng và thắp hương tại các nghĩa trang liệt sỹ, phát động toàn thể nhân dân tham gia Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ nhằm góp phần gìn giữ màu xanh cho đất nước và giáo dục ý thức bảo vệ môi trường sống cho thế hệ trẻ.
Mừng Đảng - mừng Xuân Giáp Ngọ, nhiều huyện, thành, thị trong tỉnh đã tổ chức các lễ hội truyền thống như: Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ – xã Hiền Lương – huyện Hạ Hòa, Lễ hội Phết – xã Hiền Quan – Huyện Tam Nông… Đoàn Nghệ thuật chèo tổ chức đoàn nghệ nhân tham gia Ngày thơ Việt Nam tại Văn miếu Quốc Tử Giám và Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền tổ quốc” tại Làng văn hoá - du lịch các dân tộc Việt Nam.
5. Về an ninh trật tự, an toàn xã hội
Quí I năm 2014, nhìn chung, tình hình an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh được đảm bảo, đa số người dân có ý thức chấp hành luật giao thông; tuy nhiên còn khá nhiều trường hợp vi phạm luật lệ giao thông như: không đội mũ bảo hiểm, uống rượu bia khi tham gia giao thông,... Theo thống kê của Ban an toàn giao thông, từ ngày 16/01 – 15/02/2014 trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông và 6 vụ va chạm giao thông làm 5 người chết và 10 người bị thương. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/02/2014 trên địa bàn tỉnh xảy ra 9 vụ tai nạn và 10 vụ va chạm giao thông làm 11 người chết và 19 người bị thương. So sánh với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giảm 3 vụ, số người chết giảm 1 người, số người bị thương giảm 9 người.
Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT, các lực lượng chức năng trong tỉnh đã thực hiện tốt việc tuần tra, kiểm soát và xử lý các đối tượng vi phạm Luật Giao thông. Hoạt động tuần tra, kiểm soát có nhiều đổi mới và được thực hiện một cách đồng bộ, có trọng tâm trọng điểm  trên các tuyến giao thông; việc xử lý vi phạm được thực hiện kiên quyết và nghiêm túc. Trong 2 tháng đầu năm lực lượng cảnh sát giao thông - Công an tỉnh đã kiểm tra xử lý trên 13 ngàn trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, tạm giữ 1.862 phương tiện các loại, xử phạt trên 6,5 tỷ đồng; tước giấy phép lái xe 1.060 trường hợp; Thanh tra giao thông xử lý 118 trường hợp, tước giấy phép lái xe 39 trường hợp, xử phạt trên 161 triệu đồng.
6. Về tình hình cháy nổ, vi phạm môi trường
- Số vụ cháy, nổ: Từ ngày 15/02/2014 đến ngày 15/3/2014, trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 vụ cháy (trong đó: TP Việt Trì: 1 vụ; huyện Tân Sơn: 1 vụ; huyện Cẩm Khê: 1 vụ), tổng giá trị thiệt hại ước tính 274 triệu đồng. Lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/3/2014, toàn tỉnh xảy ra 19 vụ cháy, 1 vụ nổ, tổng giá trị thiệt hại ước tính 2.236 triệu đồng.
- Vi phạm môi trường:
Trong quí I/2014, theo đánh giá của ngành chức năng tình hình chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực. Từ ngày 15/02/2014 đến ngày 15/3/2014 trên địa bàn tỉnh không có vụ vi phạm môi trường bị phát hiện và xử lý.
 Tóm lại: Tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh quý I năm 2014 tuy vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng đã có những dấu hiệu tích cực. Sản xuất nông nghiệp được duy trì; sản xuất công nghiệp có dấu hiệu phục hồi, hàng tồn kho có xu hướng giảm dần; chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục được kiềm chế; các hoạt động kinh doanh khu vực dịch vụ giữ ổn định và có xu hướng phát triển, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, đời sống và sinh hoạt của nhân dân.
Tuy nhiên, năm 2014 được dự báo là năm vẫn còn gặp rất nhiều vấn đề hạn chế và thách thức đối với nền kinh tế, các cấp, các ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ và hiệu quả 9 nhóm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ và sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh nhằm phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2014./.
 

[1]  Ngày 22/02/2014 Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 414/ QĐ-UBND về công bố dịch cúm gia cầm H5N1 trên địa bàn xã Đông Lĩnh, huyện Thanh Ba.
[2] Giảm chủ yếu ở các huyện Đoan Hùng (-146,7 ha), Phù Ninh (-95,5 ha), Lâm Thao (-237,8,4 ha), Thanh Sơn (-83,5 ha).
[3] Ngô đông giảm 407,3 ha, khoai lang giảm 240,2 ha;
[4] Đã tiêu hủy 313 con gia cầm ở huyện Tam Nông và 5.490 con ở huyện Thanh Ba.
Click để đánh giá bài viết Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây