Tình hình Kinh tế - Xã hội tỉnh Phú Thọ năm 2013

Thứ tư - 25/12/2013 02:18 7.086 0

Tình hình Kinh tế - Xã hội tỉnh Phú Thọ năm 2013

Năm 2013 tình hình kinh tế - xã hội cả nước nói chung, trên địa bàn tỉnh nói riêng tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức do kinh tế phục hồi chậm, nợ xấu còn ở mức cao, sức mua của thị trường yếu, sản phẩm sản xuất tồn kho nhiều, khả năng cạnh tranh thấp,…
Năm 2013 tình hình kinh tế - xã hội cả nước nói chung, trên địa bàn tỉnh nói riêng tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức do kinh tế phục hồi chậm, nợ xấu còn ở mức cao, sức mua của thị trường yếu, sản phẩm sản xuất tồn kho nhiều, khả năng cạnh tranh thấp,… do chịu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và chính sách cắt giảm đầu tư công, giảm chi tiêu ngân sách Nhà nước; bên cạnh đó là biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh vẫn xảy ra đã ảnh hưởng tới kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân trên địa bàn. Song, với quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh; sự hỗ trợ kịp thời, có hiệu quả của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương; cùng với sự nỗ lực cố gắng khắc phục khó khăn của các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế và nhân dân, kinh tế của tỉnh đạt được kết quả tích cực trên một số lĩnh vực; văn hóa - xã hội phát triển, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự xã hội ổn định, an sinh xã hội được từng bước nâng cao. Trên cơ sở số liệu thực hiện 11 tháng và ước tính tháng 12, Cục Thống kê tỉnh sơ bộ đánh giá tình hình kinh tế- xã hội năm 2013 trên địa bàn như sau:
I. PHÁT TRIỂN KINH TẾ
1. Tăng trưởng kinh tế
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2013 theo giá so sánh 2010 ước đạt 23.357,5 tỷ đồng, tăng 6,43% so với năm trước; trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 5,63%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,76% và khu vực dịch vụ tăng 6,73%. Năm 2013 là một trong những năm có tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm thấp so với những năm gần đây (năm 2012 tăng 5,8% so với năm 2011) nhưng đã thể hiện sự cố gắng lớn của các cấp, các ngành trong chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, kinh tế của tỉnh đã bước đầu phục hồi.
2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm 122,3 nghìn ha, bằng 101,07% kế hoạch và tăng 0,9% so năm trước, trong đó: vụ đông xuân đạt 78,9 nghìn ha, tăng 0,94%; vụ mùa đạt 43,4 nghìn ha, tăng 0,92% so với cùng vụ năm 2012. Diện tích cây lương thực có hạt đạt 88,4 nghìn ha bằng 102,3% kế hoạch, tăng 2,1% so năm trước. Diện tích lúa cấy 69,8 nghìn ha, bằng 101,8% kế hoạch năm và tăng 0,9% so với cùng kỳ. Diện tích ngô gieo trồng 18,6 nghìn ha, bằng 104,3% kế hoạch tăng 6,8% so với cùng kỳ. Diện tích trồng rau xanh các loại 11,8 nghìn ha giảm 0,7%, (riêng vụ đông 8,6 nghìn ha, tăng 2,5%).
Năng suất lúa bình quân cả năm đạt 54,4 tạ/ha, bằng 97,8% kế hoạch và tăng 0,2% so năm trước, trong đó: vụ chiêm xuân đạt 58 tạ/ha, tăng 0,7% và vụ mùa đạt 50,4 tạ/ha, giảm 0,43% so với cùng vụ năm trước. Năng suất ngô cả năm ước đạt 45,5 tạ/ha, bằng 96,56% kế hoạch, tương đương cùng kỳ năm trước. Năng suất các nhóm cây khác như: rau xanh, cây công nghiệp hàng năm, đỗ đậu các loại, cây lâu năm và cây ăn quả nhìn chung giữ được ổn định, nhiều loại cây có năng suất tăng so với cùng kỳ.
Tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 466,4 ngàn tấn, bằng 100,27% kế hoạch năm, tăng 2,59% so năm trước, trong đó: sản lượng lúa ước đạt 382 ngàn tấn, bằng 100,17% kế hoạch, tăng 1,72% so cùng kỳ; sản lượng ngô đạt 84,4 nghìn tấn, bằng 100,75% kế hoạch và tăng 6,72% so với cả năm 2012. Sản lượng cây hàng năm khác nhìn chung giữ được ổn định và có xu hướng tăng so với cùng kỳ. Sản lượng chè búp tươi toàn tỉnh ước tính cả năm đạt 134,3 nghìn tấn, tăng 5,01% so với năm trước.
Chăn nuôi gia súc, gia cầm giữ được ổn định, công tác phòng, chống dịch bệnh trong năm được tăng cường và có hiệu quả đã kịp thời khống chế, dập dịch khi phát sinh, đảm bảo số lượng và sản lượng sản phẩm phục vụ tiêu dùng trên địa bàn. Tổng đàn trâu toàn tỉnh thời điểm 01/10/2013 là 70,9 nghìn con, bằng 94,58% kế hoạch và giảm 3,47% so cùng kỳ; tổng đàn bò 91,1 nghìn con, bằng 92,8% kế hoạch và giảm 0,82% so cùng kỳ; tổng đàn lợn là 756 nghìn con, vượt 2,86% kế hoạch và tăng 2,87% so cùng kỳ; tổng đàn gia cầm 11.294 nghìn con, bằng 103,71% kế hoạch và tăng 9,89% so cùng kỳ. Trong năm, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 126 ngàn tấn, tăng 6,5% so với năm 2012.
Công tác quản lý, bảo vệ rừng tiếp tục được chú trọng. Diện tích rừng trồng mới trong năm ước đạt 6,6 ngàn ha, vượt 20% kế hoạch và tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Tổng sản lượng gỗ khai thác các loại ước đạt 346,8 ngàn m3, tăng 4,59%, trong đó gỗ nguyên liệu giấy khai thác ước đạt 314,8 ngàn m3 chiếm 90,8%; củi khai thác ước đạt 1.362,2 ngàn ste; tre, vầu, luồng ước đạt 4.085 ngàn cây;...
Sản xuất nuôi trồng thuỷ sản giữ ổn định về quy mô và đang có xu hướng phát triển. Tổng diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản toàn tỉnh đạt 9,8 ngàn ha, bằng 99,46% kế hoạch năm, tăng 1,03% so với cùng kỳ năm trước. Tổng sản lượng thuỷ sản (nuôi trồng, khai thác) trong năm ước đạt 25,8 ngàn tấn, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thủy sản tăng do ngày càng có nhiều hộ gia đình đầu tư vào sản xuất thuỷ sản quy mô lớn, đưa một số giống cá có năng suất cao vào nuôi trồng đem lại hiệu quả kinh tế.
Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục được chỉ đạo triển khai tích cực; công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra giám sát thực hiện và thông tin tuyên truyền và huy động các nguồn lực thực hiện chương trình được tăng cường; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sồng văn hóa ở khu dân cư gắn với NTM". Năm 2013, toàn tỉnh có 1 xã cơ bản đạt 19 tiêu chí; 17 xã đạt từ 15-18 tiêu chí (trong đó: 4 xã đạt 17 tiêu chí, 9 xã đạt 16 tiêu chí); 67 xã đạt 10-14 tiêu chí; 144 xã đạt 5-9 tiêu chí; 18 xã đạt dưới 5 tiêu chí.  
3. Sản xuất công nghiệp
Năm 2013, sản xuất công nghiệp trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn nhất là trong 6 tháng đầu năm. Nhưng, thực hiện nghị quyết 02/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ cùng với sự chủ động của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp nên sản xuất Công nghiệp trên địa bản tỉnh đã dần đi vào ổn định trong 6 tháng cuối năm và đạt mức cao hơn so với năm 2012. Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2013 toàn tỉnh tăng 6,02% so với cùng kỳ. Cụ thể ở các ngành như sau:
Ngành công nghiệp khai khoáng, chỉ số tăng 6,4% so với năm 2012, trong đó: ngành khai thác quặng sắt giảm 45,1%, ngành khai thác đá, cát sỏi, đất sét và cao lanh tăng 16,11%. Nguyên nhân, trong những tháng đầu năm các đơn vị gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm, việc thực hiện cắt giảm đầu tư công đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất chung của ngành.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ số tăng 5,8%. Một số ngành có chỉ số giảm lớn gồm: ngành  chế biến thực phẩm giảm 4,8%[1]; ngành sản xuất sản phẩm từ kim loai đúc sẵn giảm 9,2%[2]. Tuy nhiên, một số ngành có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ gồm: ngành dệt tăng 16,5%; ngành sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 9,3%[3]; ngành sản xuất các sản phẩm từ plastic tăng 8,5%; ngành sản xuất trang phục tăng 6,9%; ngành sản xuất phân bón và hợp chất Nitơ tương đương mức sản xuất năm 2012[4].
Ngành truyền tải và phân phối điện tăng 11,6% và ngành công nghiệp cung cấp nước, thu gom, xử lý rác thải tăng 8,9%.
4. Bán lẻ hàng hoá, hoạt động các ngành dịch vụ.
Trong điều kiện nền kinh tế gặp khó khăn, các đơn vị bán lẻ hàng hóa đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ nhà sản xuất, đồng thời tổ chức các chương trình khuyến mại nên sức mua được duy trì, hệ thống phân phối được mở rộng đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân; phong trào "Người Việt Nam ưu tên dùng hàng Việt Nam" được đẩy mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ năm 2013 ước đạt 17.109,6 tỷ đồng, tăng 14,09% so năm 2012 (chưa loại trừ yếu tố giá). Trong đó, thành phần kinh tế nhà nước đạt 1.595,9 tỷ đồng, tăng 27,5%; kinh tế cá thể đạt 8.590,6 tỷ đồng, chiếm 50,2% tổng mức và tăng 12,03%; kinh tế tư nhân đạt 6.670,8 tỷ đồng, chiếm 38,99% và tăng 10%. Chia theo ngành kinh tế, hoạt động thương nghiệp đạt 14.401,7 tỷ đồng, chiếm 84,2% tổng mức và tăng 13,25%; doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 1.731,8 tỷ đồng, chiếm 10,1% và tăng 18,6%.
Các loại hình dịch vụ có lợi thế tiếp tục phát triển, hoạt động vận tải đảm bảo phục vụ cho sản xuất, đáp ứng nhu cầu đi lại thư­ờng xuyên của nhân dân. Tổng doanh thu vận tải, bốc xếp năm 2013 ước đạt 2.381 tỷ đồng, tăng 15,8% so năm trước, trong đó: doanh thu vận tải đường bộ đạt 1.790,99 tỷ đồng, tăng 15,7%; doanh thu vận tải đường sông đạt 589,9 tỷ đồng, tăng 16%. Sản lượng vận tải hàng hoá ước đạt 30,99 triệu tấn, tăng 7,3% so với cùng kỳ; sản lượng luân chuyển hàng hoá đạt 1.611 triệu tấn.km, tăng 14,1%. Sản lượng vận tải hành khách ước đạt 5,55 triệu hành khách, tăng 6,5%; sản lượng luân chuyển hành khách đạt 644,2 triệu hành khách.km, tăng 19,04% so năm trước.
Phát triển du lịch được quan tâm chỉ đạo, đã hoàn thành đưa vào khai thác giai đoạn I dự án khu du lịch Đảo Ngọc Xanh, huyện Thanh Thủy, vốn đầu tư 450 tỷ đồng; dự kiến cả năm thu hút hàng triệu lượt khách thăm viếng Đền Hùng.  
Hạ tầng viễn thông tiếp tục được đầu tư mở rộng, nâng cao chất lượng dịch vụ; hạ tầng thông tin phát triển đảm bảo công tác chỉ đạo điều hành của các cấp, các ngành và nhu cầu thông tin liên lạc của nhân dân.
II. KIỀM CHẾ LẠM PHÁT, ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ
1. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)
Việc Chính phủ kết hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa, các biện pháp quản lý giá, bình ổn thị trường và sự nỗ lực của các tổ chức và toàn thể nhân dân, mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2013 trên địa bàn tỉnh tiếp tục được triển khai, phát huy tác dụng.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2013 tăng 0,24% so tháng trước. Trong các nhóm hàng hóa và dịch vụ, nhóm có chỉ số giá tăng cao hơn mức tăng chung là: Nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD tăng 1,61%[5]; nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng thấp hơn mức tăng chung gồm: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, tăng 0,1% (ăn uống ngoài gia đình tăng 0,21%, lương thực  và thực phẩm tăng 0,09%); đồ uống và thuốc lá tăng 0,05%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,14%; nhóm có chỉ số giảm nhẹ là: Giao thông giảm 0,19%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,01%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông, giáo dục, hàng hóa và dịch vụ khác giữ ổn định.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2013 so với tháng 12/2012 tăng 5,42%; Chỉ số giá tiêu dùng bình quân bình quân năm 2013, tăng 6,1% so với bình quân năm 2012.
Chỉ số giá vàng tháng 12/2013 giảm 3,42% so với tháng trước, giảm 23,8% so với tháng 12/2012. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 12/2013 tăng 0,14% so với tháng trước, tăng 1,85% so với tháng cùng kỳ năm 2012.
2. Đầu tư, xây dựng
Năm 2013, Chính phủ tư tiếp tục giảm đầu tư công, nguồn vốn đầu tư NSNN, TPCP, vốn chương trình MTQG được giao từ đầu năm thấp hơn nhiều so với năm 2012. Song, các cấp, các ngành đã nỗ lực huy động nguồn lực thực hiện khâu đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng, bám sát sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương; chú trọng kiểm tra, đôn đốc và xử lý khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi để huy động vốn đầu tư. Các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh được tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ. Tổng vốn đầu tư thực hiện năm 2013 ước đạt 13,1 nghìn tỷ đồng, so với năm 2012 tăng 3,9%[6], trong đó: vốn nhà nước trên địa bàn ước đạt 6,4 nghìn tỷ đồng, tăng 5,2% (vốn trung ương quản lý ước đạt 2,1 nghìn tỷ đồng, tăng 12,9%; vốn địa phương quản lý ước đạt 4,3 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7%); vốn ngoài nhà nước ước đạt 5,9 nghìn tỷ đồng, tăng 2,9% (vốn của tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước ước đạt 3,2 nghìn tỷ đồng, giảm 9,1%); vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 821 tỷ đồng, tăng 2,3%.
Cùng với đầu tư, hoạt động xây lắp trên địa bàn năm 2013 cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị nên kết quả hoạt động xây lắp trên địa bàn tỉnh vẫn tăng khá. Giá trị sản xuất xây lắp năm 2013 ước thực hiện 7.464 tỷ đồng, tăng 11,6% so với năm 2012 (chưa loại trừ yếu tố giá), trong đó: khu vực doanh nghiệp nhà nước thực hiện 142,5 tỷ đồng, giảm 5,5%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước thực hiện 4.649 tỷ đồng, tăng 2,6% và khối cơ sở cá thể 2.625 tỷ đồng, tăng 34,1% so với năm 2012.
3. Tài chính, tín dụng
Trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn đồng thời thực hiện chính sách miễn giảm, gia hạn thuế và tiền sử dụng đất theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ; nhờ tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp chống thất thu ngân sách, thu hồi nợ đọng thuế. Tổng thu NSNN trên địa bàn năm 2013 ước đạt 2.752,7 tỷ đồng, vượt 1,1% dự toán HĐND tỉnh giao. Chi ngân sách tỉnh được điều hành theo hướng linh hoạt, chủ động, hiệu quả, đảm bảo đáp ứng các khoản chi đầu tư, chi thường xuyên và đảm bảo an sinh xã hội, các khoản chi sự nghiệp y tế, giáo dục, chi lương đều đảm bảo tiến độ và tăng so với cùng kỳ năm trước. Tổng chi NS địa phương ước đạt 9.599,4 tỷ đồng[7], vượt 22,1% so với dự toán; trong đó chi cân đối ngân sách địa phương 7.307,6 tỷ đồng, đạt 106,4% dự toán (chi đầu tư phát triển 496,8 tỷ đồng, bằng 92,5% dự toán; chi thường xuyên 6.509,7 tỷ đồng, vượt 110,9% dự toán).
Hoạt động tiền tệ, tín dụng tiếp tục được chú trọng, công tác huy động tiền gửi trên địa bàn được tăng cường, đáp ứng cơ bản nhu cầu phát triển kinh tế xã hội; tổng vốn huy động cả năm ước đạt 21 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so cùng kỳ; dự kiến tổng dư nợ tín dụng tăng 12%; tỷ lệ nợ xấu 1,5%.
4. Cân đối thương mại
Kim ngạch hàng hoá xuất khẩu năm 2013 ước đạt 599,3 triệu USD, tăng 11,4% so năm 2012. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt cao nhất (527,2 triệu USD), chiếm 87,96% tổng giá trị, tăng 14,97% so cùng kỳ; tiếp đến là khu vực kinh tế tư nhân đạt 70,7 triệu USD, chiếm 11,8%, giảm 0,1%.
Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm: hàng dệt may đạt 348,7 triệu USD, tăng 30,5%; sản phẩm bằng plastic đạt 182,2 triệu USD; sản phẩm chè đạt 16,8 tấn, trị giá đạt 28,8 triệu USD;...
Kim ngạch nhập khẩu hàng hoá ước đạt 601,4 triệu USD, tăng 9,9% so năm 2012, trong đó: kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có giá trị nhập khẩu cao nhất (397,98 triệu USD), chiếm 66,2% tổng giá trị, tăng 15,2% so cùng với kỳ. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm: vải may mặc ước đạt 177,1 triệu USD; chất dẻo nguyên liệu ước đạt 97,5 nghìn tấn; bông xơ ước đạt 26,9 nghìn tấn; phụ liệu hàng may mặc ước đạt 44,9 triệu USD;...
III. BẢO ĐẢM AN SINH XÃ HỘI, PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC, Y TẾ, VĂN HÓA VÀ CÁC LĨNH VỰC XÃ HỘI KHÁC   
1. Dân số, lao động, việc làm và đời sống dân cư
Dân số trung bình toàn tỉnh năm 2013 ước tính 1.349,3 nghìn người, tăng 0,63% so với năm trước, trong đó: nữ là 685 nghìn người, chiếm 50,76%; dân số thành thị là 249,6 nghìn người, chiếm 18,49%.
Công tác lao động việc làm, đào tạo nghề, tạo việc làm có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được kết quả khá; cơ sở vật chất các trung tâm dạy nghề được quan tâm đầu tư; việc triển khai kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg được chú trọng. Năm 2013, giải quyết việc làm 22,1 nghìn người, tăng 4,2%; tạo việc làm mới 14 nghìn người, tăng 3,7% so cùng kỳ; xuất khẩu lao động 2,5 nghìn người, đạt 100% kế hoạch.
Công tác giải quyết việc làm từ nguồn vốn vay của Quỹ quốc gia về việc làm, đào tạo nghề cho lao động nông thôn được triển khai có hiệu quả, số tiền cho vay ước đạt 27 tỷ đồng, tạo việc làm cho 1,3 nghìn lao động; các địa phương đã chủ động lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội để phát triển, tạo thêm việc làm mới; đặc biệt là cho các nhóm đối tượng yếu thế (người tàn tật, lao động là người dân tộc, lao động vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp). Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề chưa thực sự gắn kết với nhu cầu của doanh nghiệp, các dự án lớn trên địa bàn; cơ cấu đào tạo nghề chưa hợp lý; chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn thấp; công tác tuyên truyền tư vấn chọn nghề, giải quyết việc làm chưa sâu rộng; kỹ năng hành nghề của lao động sau đào tạo còn nhiều hạn chế.
Công tác đảm bảo an sinh xã hội được quan tâm và đạt kết quả tích cực, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo; thăm hỏi và tặng quà các gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng; bảo đảm chế độ cho các đối tượng chính sách. Công tác bảo trợ xã hội tiếp tục được thường xuyên thực hiện; hướng dẫn, hỗ trợ tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, người dân tộc để phát triển sản xuất; tăng cường huy động các nguồn lực đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu ở huyện nghèo Tân Sơn theo Nghị quyết 30a/NQ-CP.
Các hoạt động nhân đạo, từ thiện ủng hộ “Quỹ vì người nghèo”, hỗ trợ thiên tai, lũ lụt được đẩy mạnh, đời sống các tầng lớp dân cư từng bước được cải thiện.  
2. Giáo dục, đào tạo
Chất lượng các cấp học được giữ vững cả về chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn; tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT đạt 98,39%, bổ túc THPT đạt 94,02%; kết quả thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2013 đạt 46 giải. Công tác quản lý giáo dục được chú trọng; giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS; tích cực triển khai phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Phong trào khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập được đẩy mạnh; Hội khuyến học tỉnh đã kịp thời khen thưởng học sinh giỏi, giáo viên giỏi và học sinh nghèo vượt khó.
Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được tăng cường; tập trung giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề cho học sinh. Kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia, đề án kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên tiếp tục được triển khai tích cực, có thêm 51 trường được công nhận Trường chuẩn Quốc gia.
Tuy nhiên, một số địa phương chưa chủ động quan tâm đến công tác xã hội hóa giáo dục, còn trông chờ vào nguồn đầu tư của cấp trên; chất lượng giáo dục giữa các vùng, miền, các loại hình đào tạo còn khoảng cách khá xa; công tác quản lý dạy thêm, học thêm, thu chi trong trường học chưa chặt chẽ.
3. Chăm sóc sức khỏe cộng đồng
Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm; tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh có tiến bộ; chất lượng khám chữa bệnh được củng cố, nâng cao; nhiều kỹ thuật mới về lâm sàng, cận lâm sàng được áp dụng thành công ở Bệnh viện đa khoa tỉnh, giảm được số ca chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.
Công tác phòng chống dịch bệnh nguy hiểm (dịch cúm A H1N1, dịch Tay - Chân - Miệng) được giám sát chặt chẽ, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế, không có trường hợp tử vong; công tác phòng chống HIV/AIDS được duy trì, hoạt động tư vấn và xét nghiệm tại cơ sở y tế được đẩy mạnh. Hệ thống y tế tiếp tục được củng cố và phát triển, các bệnh viện đa khoa tuyến huyện và liên huyện được từng bước đầu tư trang thiết bị hiện đại.
Tăng cường triển khai công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hiệu quả nhờ sự phối hợp liên ngành trong giám sát, kiểm tra, thanh tra về ATVSTP.
Công tác xã hội hóa y tế có chuyển biến tích cực, dịch vụ y tế tư nhân được khuyến khích phát triển, cơ bản đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân trên địa bàn. Song, chất lượng khám chữa bệnh, cơ sở vật chất, trang thiết bị ở một số bệnh viện tuyến huyện còn hạn chế; trình độ quản lý, chuyên môn của một bộ phận cán bộ y tế chưa đáp ứng yêu cầu; hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi trong phòng bệnh và chăm sóc sức khoẻ của người dân còn hạn chế; chất lượng dân số tuy có cải thiện, nhưng vẫn còn ở mức độ thấp, mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng rõ rệt; việc triển khai thực hiện Pháp lệnh Dân số ở một số địa phương, đơn vị chưa sâu rộng.
4. Hoạt động văn hoá, thể thao
Hoạt động văn hóa, thông tin, báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật, phát thanh truyền hình được chú trọng, đã tuyên truyền kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các thông tin về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh của tỉnh; tuyên truyền sâu rộng cuộc vận động "Học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và thực hiện Nghị quyết TW 4 khóa XI của Đảng.
Công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực văn hóa TDTT được tăng cường; quan tâm bảo tồn, phục dựng các lễ hội truyền thống, các di tích khảo cổ; chỉ đạo và tổ chức thành công các hoạt động văn hóa lễ hội lớn mang đậm bản sắc văn hóa lịch sử truyền thống như: Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng, tổ chức chương trình Lễ tôn vinh, đón Bằng công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Các hoạt động văn hóa cơ sở và phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tiếp tục được đẩy mạnh. Công tác xã hội hóa, vận động nhân dân xây dựng các thiết chế văn hóa ở khu dân cư được chú trọng, dự kiến đến hết năm 2013 toàn tỉnh có 2.822 nhà văn hóa, nâng tỷ lệ khu dân cư có nhà văn hóa đạt 98,5%. Phong trào thể dục thể thao quần chúng tiếp tục phát triển, các cơ sở tập luyện được mở rộng; tỷ lệ nhân dân tham gia tập luyện thể dục thể thao đạt 27,8%, gia đình thể thao đạt 22,7%. Công tác tuyển chọn, bồi dưỡng tài năng thể thao được chú trọng ; thể thao thành tích cao đạt kết quả tốt, tham gia thi đấu đạt 02 huy chương tại các giải khu vực và quốc tế, đạt 57 huy chương các loại tại các giải thể thao toàn quốc.
Tuy nhiên, tình trạng các loại văn hóa phẩm độc hại nhất là trên mạng Internet có ảnh hưởng xấu, tác động không nhỏ đến lứa tuổi thanh thiếu niên, đời sống tinh thần của người dân với xu hướng ngày càng tăng và khó kiểm soát.
5. Tai nạn giao thông
Mặc dù các ngành chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các cơ quan, đơn vị, người dân và tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý các vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, tình hình tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, số vụ tai nạn giao thông và thiệt hại về người tuy có giảm so với năm trước nhưng vẫn còn ở mức cao. Tính đến hết tháng 11/2013 (11 tháng), toàn tỉnh xảy ra 65 vụ tai nạn giao thông và 77 vụ va chạm giao thông, làm 70 người chết và 139 người bị thương, so với cùng kỳ số vụ tai nạn giao thông giảm 2 vụ nhưng số người chết tăng 5 người.
6. Thiệt hại thiên tai
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 11 đợt thiên tai gây thiệt hại khoảng 41,46 tỷ đồng, làm 4 người chết, 12 người bị thương. Thiên tai đã làm sập đổ 26 ngôi nhà, tốc mái 2.040 ngôi nhà, gây ngập úng 1.900,6 ha lúa (trong đó: mất trắng 385 ha), 1.423 ha hoa màu (trong đó: mất trắng 456 ha), 31 phòng học bị hư hại, ... và làm sạt lở nghiêm trọng bờ vở đê Hữu Thao thuộc huyện Tam Nông. Riêng đợt mưa bão lớn đầu tháng 5 đã làm 4 người bị thương; sạt lở gần 1.230 m đường xe cơ giới; 38,4 ha lúa bị mất trắng; sập đổ 13 ngôi nhà, tốc mái 1.001 ngôi nhà;... gây thiệt hại khoảng 26,2 tỷ đồng.
7. Bảo vệ môi trường
Cùng với sự phát triển kinh tế, các cơ sở sản xuất tăng nhanh, các khu tập trung dân cư ngày càng nhiều đã tạo ra lượng lớn chất thải bao gồm: Chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, chất thải y tế,... Công tác thu gom, xử lý chất thải rắn của tỉnh gặp nhiều khó khăn do đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống xử lý nước thải chưa hiệu quả; chất thải không được xử lý, quản lý nghiêm ngặt gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới sức khỏe của cộng đồng.
Công tác kiểm tra, thanh tra vi phạm môi trường được các ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh. Từ đầu năm đến hết 15/12/2013 trên địa bàn tỉnh có 16 vụ vi phạm môi trường bị phát hiện (trong đó có 15 vụ đã xử lý) với tổng số tiền xử phạt là 519,2 triệu đồng.
Công tác phòng cháy bảo vệ rừng luôn được các cấp, các ngành và cơ quan chuyên môn chỉ đạo chặt chẽ, tuyên truyền sâu rộng. Tuy nhiên, trong năm  vẫn xảy ra 5 vụ cháy rừng, diện tích rừng bị cháy 5,2 ha, thiệt hại khoảng 105 triệu đồng.
Năm 2013, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 40 vụ cháy, 1 vụ nổ gây thiệt hại gần 2.811 triệu đồng (không kể thiệt hại vụ nổ của Xí nghiệp Z4 thuộc Nhà máy Z121 của Bộ Quốc phòng gây thiệt hại lớn về người và nhà cửa).
IV. ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP
Kinh tế- xã hội năm 2013 cả nước nói chung, trên địa bàn tỉnh nói riêng gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng vẫn tăng trưởng và đạt được kết quả tích cực. Tuy nhiên, nền kinh tế thế giới tiếp tục có những biến động khó lường; kinh tế vĩ mô trong nước còn tiếp tục khó khăn ở một số ngành, lĩnh vực;...
Từ các vấn đề nêu trên, để phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh thời gian tới phát triển, đảm bảo an sinh xã hội, cần nhận định rõ những thuận lợi, khó khăn cơ bản và đề ra một số giải pháp thực hiện như sau:
1. Thuận lợi
- Kinh tế trong nước duy trì được tăng trưởng trước những khó khăn của suy thoái kinh tế thế giới; năng lực của nền kinh tế và hệ thống kết cấu hạ tầng tiếp tục được tăng cường; thế mạnh của từng ngành, từng vùng được phát huy; các dự án trọng điểm mới tiếp tục được đầu tư và đưa vào hoạt động, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.
- Lợi thế, tiềm năng vùng Đất Tổ được phát huy; môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, các ngành mũi nhọn được tạo điều kiện đầu tư, tăng cường, thuận lợi cho sản xuất phát triển.
- Chính trị, xã hội ổn định; môi trường kinh tế vĩ mô ngày càng hoàn thiện; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII được các cấp, các ngành rà soát, kiểm tra thực hiện hàng năm nhằm đảm bảo mục tiêu, định hướng lớn; đồng thời có giải pháp điều hành cụ thể cùng với những chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước.
2. Những khó khăn
- Tình hình chính trị, kinh tế thế giới vẫn diễn biến phức tạp, khó lường; áp lực tăng giá ở một số mặt hàng, dịch vụ đầu vào thiết yếu tạo nguy cơ tiềm ẩn gây lạm phát; sự cạnh tranh giữa các nền kinh tế ngày càng gay gắt, năng lực cạnh tranh sản phẩm của doanh nghiệp trên địa bàn còn yếu, khả năng hội nhập kinh tế quốc tế rất hạn chế.
- Tiềm lực, nội lực nền kinh tế còn thấp; hạ tầng kinh tế- xã hội cải thiện chưa nhiều; nhiều vấn đề mới nảy sinh cần phải giải quyết; chính sách, cơ cấu lại nền kinh tế, thắt chặt tiền tệ tín dụng sẽ là trở ngại trong việc thu hút các nguồn vốn đầu tư.
- Nguồn lực cho đầu tư phát triển còn hạn hẹp; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu; thời tiết, dịch bệnh diễn biến khó lường;... là các yếu tố có thể tác động xấu đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.
- Cải cách hành chính chưa tạo được sự chuyển biến căn bản; kỷ cương, hiệu lực trong quản lý điều hành còn trì trệ, năng lực đội ngũ cán bộ còn bất cập. Một số vấn đề xã hội như ma tuý, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường còn diễn biến phức tạp.
3. Một số giải pháp chủ yếu đề xuất nhằm ổn định và phát triển kinh tế- xã hội năm 2014 của tỉnh
Cấp ủy, chính quyền địa phương giữ vai trò quan trọng đối với tốc độ tăng trưởng GRDP và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn: Nghiên cứu, cụ thể hóa, vận dụng phù hợp chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật của Trung ương vào điều kiện cụ thể ở mỗi địa phương nhằm đạt hiệu quả kinh tế - xã hội cao nhất. Trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành để cùng với cơ chế, chính sách vĩ mô của Trung ương tạo nên sự cộng hưởng nhằm xây dựng môi trường tốt nhất cho hoạt động SXKD và các lĩnh vực:
1. Giữ vững an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, chính trị ở địa phương ổn định;
2. Đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả, đầu cơ tích trữ, gian lận thương mại, đảm bảo cho các đơn vị sản xuất kinh doanh hoạt động bình thường và cạnh tranh lành mạnh;
3. Đào tạo, cung cấp đủ nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển SXKD và DV;
4. Bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm;
5. Quản lý giá, đảm bảo hạch toán giá thành và thực hiện bán hàng hóa, dịch vụ đúng giá quy định;
6. Thực hiện cải cách hành chính đảm bảo giải quyết các thủ tục hành chính (cấp giấy phép kinh doanh, giới thiệu địa điểm lập dự án đầu tư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, …), cung cấp các dịch vụ công thuận lợi, tiện ích cho các tổ chức, cá nhân SXKD;
7. Tiếp nhận và giải quyết nhanh chóng, kịp thời, dứt điểm, đúng thẩm quyền các tranh chấp phát sinh trong quá trình hoạt động SXKD của các tổ chức, cá nhân;
8. Theo khả năng của ngân sách địa phương quyết định tập trung đầu tư các dự án hạ tầng kinh tế - kỹ thuật trực tiếp tạo điều kiện phát triển SXKD và đời sống sinh hoạt của nhân dân với quy mô phù hợp (đường giao thông nông thôn; kênh, mương thủy lợi; điện; trường học; trường mầm non, nhà trẻ, trạm y tế, nhà hộ sinh, chợ, …);
9. Chỉ đạo thực hiện tốt các quy định, chính sách an sinh xã hội trực tiếp ảnh hưởng tới SXKD (nhà ở của công nhân, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn vệ sinh lao động, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề, điều kiện khám chữa bệnh, hưởng thụ văn hóa nghệ thuật, vui chơi, giải trí cho công nhân, lao động, …); v.v…

Số liệu đính kèm:
Số liệu kinh tế xã hội 12 tháng  năm 2013
 
[1] Sản phẩm bột ngọt chỉ đạt 98,3%; sản phẩm chè chế biến sản lượng giảm 8% so với cùng kỳ.
[2] Công ty cổ phần Việt Vương sản lượng sản phẩm cơ khí chỉ đạt 82%.
[3] Công ty giấy Bãi bằng sản phẩm tiêu thụ tốt, lượng tồn kho giảm, năm 2013 sản xuất dự kiến tăng 4,5 ngàn tấn ; Công ty cổ phần giấy Việt Trì sản xuất tăng 7,2 ngàn tấn so với cùng kỳ. 
[4] Công ty cổ phần Supe phốt phát và hoá chất Lâm Thao gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm (đến đầu tháng 11 tồn kho 194 ngàn tấn supe lân và 240 ngàn tấn phân bón NPK).
[5] Trong đó, nhóm nhà ở tăng 0,18% (chủ yếu tăng ở nhóm dịch vụ sửa chữa nhà, tăng 1,66%; riêng nhóm vật liệu bảo dưỡng giảm 0,16%); ga và các loại chất đốt khác tăng 7,59%;
[6]Mặc dù nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, trong năm các đơn vị vẫn khởi công một số dự án lớn như: Dự án xây dựng cầu Việt Trì mới giai đoạn I tổng vốn đầu tư 1.900 tỷ đồng do Bộ giao thông vận tải làm chủ đầu tư
[7] Bao gồm cả Chi chuyển nguồn sang năm 2013: 1.462 tỷ đồng

Nguồn tin: Cục Thống kê tỉnh Phú Thọ

Click để đánh giá bài viết Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây